Chưa đền bù đã thi công?
Ngày 9/10/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật số 5124/QĐ.UBND - ĐTXD phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Đồng Lội, xã Tân Phú, huyện Tân kỳ. Theo đó, dự án được đầu tư có tổng mức là gần 14 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương từ chương trình an toàn hồ chứa nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (đối với phần kiên cố kênh), ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách huyện, xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình được UBND tỉnh Nghệ An giao cho UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Tây An.
Dự án được đầu tư với mục đích cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho 60ha đất nông nghiệp và cung cấp nước phục vụ dân sinh, giữ ẩm cho vùng thượng nguồn. Đáng buồn là trái với kỳ vọng của người dân, nhiều năm khởi công dự án vẫn chưa hoàn thành. Ngược lại quá trình thi công lại có nhiều vấn đề bất cập.
Theo phản ánh, dự án chưa đền bù đã thi công dẫn đến nhân dân bất bình. Anh Võ Quang Trung, thường trú tại xóm Tân Lương, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ nói: “Vào khoảng tháng 6/2018, đơn vị công đập đã lấy một phần đất trồng hoa màu của gia đình chúng tôi để xây phần mương của đập. Đến khi gia đình chúng tôi phát hiện, khiếu nại thì đến cuối năm 2018 mới được đền bù. Hiện nay, Dự án lại lấn vào diện tích trồng sắn của gia đình tôi để làm mương thoát nhưng vẫn chưa đền bù”.
Nghi vấn chất lượng công trình không đảm bảo
Theo quan sát, tại công trình này nhà thầu vẫn đang thi công nhưng chỉ có một số công nhân (thuộc nhà thầu) đang ghép đá và một tốp công nhân đang trộn vữa. Theo Báo cáo kinh tế kỹ thuật số 5124 của UBND tỉnh Nghệ An, mái thượng lưu từ cao tình + 27,25 đến chân đập phải gia cố bằng đá ghép khan dày 25cm, dưới lót đá dăm dày 10cm và vải lọc, trong khung bê tông cốt thép mác 200. Kích thước khung dầm bxh = (25 * 35) cm. Yêu cầu trong khung bê tông cốt thép mác 200 nhưng tại hiện trường việc trộn bê tông lại không có bảng cấp phối, sau khi đổ xô nước vào máy trộn thì tốp công nhân đổ một bao xi măng vào máy trộn, sau đó cát và đá dăm cứ thế xúc vào gần đầy máy trộn thì dừng lại. Với việc trộn bê tông không có bảng cấp phối mà chỉ áng chừng thì liệu mác bê tông có đạt như yêu cầu?
Cũng theo Quyết định 5124 mái hạ lưu từ cao trình đỉnh đập đến cao trình +25,9m được gia cố bằng trồng cỏ. Bố trí rãnh thoát nước xiên kích thước bxh = 20 *20cm, kết cấu bằng bê tông mác 150. Từ cao trình + 25,90m đến chân đập gia cố bằng đá lát khan dày 30cm, dưới lót đá dăm dày 15cm và cát thô dày 15cm. Tuy nhiên, theo quan sát tại hiện trường, công nhân thi công ghép đá trực tiếp xuống nền đất mà không thấy lớp đá dăm và cát thô lót dưới. Ngoài ra, đất đắp pha lẫn nhiều tạp chất và đá nhưng đơn vị thi công vẫn dùng để đắp thân đập; sắt dùng để thi công thì hoen gỉ...
Trao đổi về những phản ánh của người dân và ghi nhận tại hiện trường với ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, ông Việt cho hay: “Cái cụ thể ở đây thì tôi không biết nhưng hiện nay không có ngân sách đền bù, kể cả đường quốc lộ cũng phải vận động người dân hiến đất”.
Về việc công trình hàng chục tỷ đồng bị phản ảnh có dấu hiệu thi công ẩu, phó mặc cho nhà thầu tự thi công mà không có mặt của chủ đầu tư, tư vấn dám giám sát, ông Việt nói: “Trên địa bàn còn nhiều công trình nên họ phải đi chỗ này chỗ khác chứ không ở một chỗ công trình đó được, giám sát thì có quy trình giám sát”?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.