Mới chỉ nhận khoản tiền bồi thường?
Nhiều người dân ở thôn Mỹ Hóa, phản ảnh: Thực hiện dự án KCN Hòa Hội, khoảng 300 hộ gia đình ở thôn Mỹ Hóa và Hòa Hội có nhà ở, đất vườn, đất nông nghiệp và tài sản trên đất bị Nhà nước thu hồi để giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong đó, đa số các hộ bị giải tỏa trắng về nhà ở, đất ở; bị thu hồi từ 80% - 90% diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, hầu hết các trường hợp có đất, tài sản bị thu hồi đã được ngành chức năng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Riêng gần 20 hộ dân ở xóm Hanh Thủy (thôn Mỹ Hóa) nhận tiền vào tháng 8/2010 mới chỉ nhận khoản bồi thường; còn khoản hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Thanh - 70 tuổi, trú xóm Hanh Thủy, trình bày: Gia đình ông bị thu hồi 7.500m2 trong tổng số 8.500m2 đất được Nhà nước giao quyền gồm đất ở, đất vườn thừa, đất nông nghiệp; trong đó, thu hồi trắng diện tích đất ở, đất vườn thừa. Tháng 8/2010, gia đình ông nhận khoản bồi thường với số tiền hơn 656 triệu đồng; riêng khoản hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất chưa được chi trả.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Sỹ - hàng xóm ông Thanh - có nhà ở, đất vườn, đất nông nghiệp bị giải tỏa trắng với tổng diện tích khoảng 7.800m2. Gia đình ông Sỹ cũng mới nhận tiền bồi thường (hơn 830 triệu đồng) chứ chưa có khoản hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất. Hiện gia đình ông còn “bám trụ” tại khu vực đất đã bị thu hồi để tiếp tục kiến nghị ngành chức năng xem xét, giải quyết.
“Lúc chi trả tiền, Hội đồng bồi thường KCN Hòa Hội cho biết khi nào có nhà đầu tư vào hoạt động chúng tôi mới được nhận tiền hỗ trợ. Đến nay, gia đình tôi và nhiều hộ khác cùng nhận tiền vào đợt tháng 8/2010 chưa thấy tiền hỗ trợ đâu. Trong khi đó, các trường hợp nhận tiền vào đợt năm 2009 đã nhận cả 2 khoản bồi thường và hỗ trợ. Gần 10 năm trôi qua, người dân chúng tôi không còn đất canh tác, sản xuất nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn; trong khi đó, hàng trăm hecta đất tại KCN bỏ hoang gây lãng phí”, ông Thanh bức xúc.
Ông Sỹ tiếp lời: “Ở nông thôn mà không có đất canh tác, sản xuất nên cuộc sống người dân rất khó khăn. Bởi nếu đất không bị thu hồi, gia đình tui mỗi năm canh tác cũng thu lời được vài chục triệu đồng; cứ túc tắc như vậy năm này qua năm khác cũng đủ trang trải. Gần 10 năm nay không còn đất để làm, trong khi cái ăn, cái mặc và các khoản chi tiêu khác không thể cắt giảm. Còn tiền bồi thường thì phải chi ra mua đất, xây dựng nhà mới; quanh đi quẩn lại đã hết”.
“Treo” đến bao giờ?
Qua tìm hiểu được biết: Ngoài các hộ khiếu nại liên quan đến khoản hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất, hiện nay còn 3 trường hợp ở thôn Mỹ Hóa gồm hộ Lê Thị Hà, Phan Thị Chi, Khổng Thị Nghiêm chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tiếp tục khiếu nại. Hiện các hộ chưa tháo dỡ nhà, trao trả mặt bằng để ngành chức năng giao đất “sạch” cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Tẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hanh cho biết: “Trường hợp bà Hà, bà Chi do chưa chấp thuận đơn giá bồi thường nên chưa nhận tiền; còn bà Nghiêm do các thành viên trong gia đình chưa thống nhất mức phân chia tiền nên cũng không nhận. Riêng việc chi trả tiền cho các hộ dân vào năm 2009 và 2010, UBND xã Cát Hanh không thực hiện, nhưng theo tôi, ngành chức năng chi trả bao gồm khoản bồi thường và hỗ trợ, chứ không tách riêng từng khoản như một số hộ ở thôn Mỹ Hóa đang thắc mắc, khiếu nại”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Tánh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Phù Cát, cho biết: Đợt chi trả tiền lần 1 (năm 2009) do Công ty Cổ phần Hòa Hội - đơn vị chủ đầu tư trước đây - thực hiện; còn đợt 2 (năm 2010) do Ban bồi thường GPMB KCN Hòa Hội - thuộc Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phù Cát - đảm trách. Sau này, Trung tâm PTQĐ huyện Phù Cát mới tiếp quản các hồ sơ, giấy tờ liên quan; đến nay, một số loại hồ sơ vẫn chưa đầy đủ nên không nắm rõ việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo phương thức gộp 2 khoản hay tách rời. Tuy nhiên, căn cứ theo nội dung các quyết định phê duyệt kinh phí do UBND tỉnh ban hành, việc chi trả tiền đã gồm khoản bồi thường và hỗ trợ.
“Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, tới đây, Trung tâm PTQĐ huyện Phù Cát phối hợp với UBND xã Cát Hanh kiểm tra, rà soát toàn bộ các trường hợp chưa nhận tiền hoặc đã nhận tiền nhưng còn thắc mắc, khiếu nại về khoản hỗ trợ ổn định sản xuất, ổn định đời sống nên chưa chịu giao trả đất. Sau đó, mời các hộ làm việc, giải thích chủ trương, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ để họ tự giác chấp hành; sớm GPMB, giao phần mặt bằng còn lại (khoảng 65ha) để chủ đầu tư triển khai thi công. Chúng tôi rất mong dự án KCN Hòa Hội sớm hoàn thành, đi vào hoạt động; bởi nếu tiếp tục kéo dài như những năm qua sẽ gây lãng phí rất lớn về đất đai”, ông Tánh nói.
Qua “hai lần đò” vẫn chưa thay đổi!
Tháng 8/2009, KCN Hoà Hội được khởi công xây dựng với tổng diện tích quy hoạch 265ha; tổng vốn đầu tư hơn 440 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Hòa Hội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, tháng 3/2011, KCN hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1; cuối năm 2013, hoàn thành các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, do Công ty Cổ phần Hòa Hội không đủ năng lực tài chính nên tháng 4/2011, UBND tỉnh Bình Định quyết định đình chỉ đối với đơn vị này. Khoảng cuối tháng 5/2016, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp và Đô thị Phúc Lộc làm chủ đầu tư Dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội”.
Qua “hai lần đò” nhưng đến nay, hình hài KCN Hòa Hội chưa có gì thay đổi, khu đất rộng hàng trăm hecta tiếp tục hoang hóa. Lợi dụng tình trạng này, một số cá nhân, đơn vị thực hiện việc hốt trộm đất, cát trong KCN để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Những tháng gần đây, chủ đầu tư đưa phương tiện, máy móc vào thi công mặt bằng, nhưng tiến độ khá chậm.