Có nhà nhưng không có đường đi
Trước đó, thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các lực lượng công an có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở theo quyết định của UBND TP Hà Nội, Dự án KĐTM Đại Kim do Công ty Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư có dành một phần đất xây nhà ở bán cho cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an và Công an TP Hà Nội.
Theo phản ánh của nhiều cán bộ mua nhà ở đây, trong quy hoạch 1/500 của KĐTM Đại Kim đã được phê duyệt, 69 căn hộ liền kề của cán bộ công an được mua ở dự án này được quy hoạch ở các ô đất có ký hiệu TT5-1, TT5-2, được kết nối với đường vành đai 3 qua tuyến đường số 4 của KĐT với diện tích hơn 3.000m2 và mặt cắt ngang tuyến đường khoảng 17,5m.
Quý II/2018, Hacinco đã hoàn thành xây dựng nhà ở, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án và tiến hành bàn giao cho cư dân. Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và chủ đầu tư để nhận nhà thì các hộ dân mới hay biết: Các căn hộ này không có lối đi lại vào nhà và không thể đi ra hướng đường vành đai 3 theo tuyến đường số 4 như Hacinco thiết kế. Trên thực tế lối đi đang bị Trường Đại học Thăng Long (ĐH Thăng Long) rào tôn, phong tỏa để làm đường đi riêng của trường này.
Bức xúc về việc mua nhà nhưng không có đường đi, không ít lần các hộ dân làm đơn gửi Ban Giám hiệu ĐH Thăng Long yêu cầu trường này chủ động tháo dỡ rào tôn; nhưng ĐH Thăng Long vẫn cương quyết không đáp ứng.
Trước thái độ quyết liệt từ phía nhà trường, các hộ dân đã làm đơn lên nhiều cơ quan chức năng của quận Hoàng Mai và TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo ĐH Thăng Long có biện pháp để tháo dỡ hàng rào tôn để trả lại tuyến đường số 4, khớp nối hạ tầng kỹ thuật KĐTM Đại Kim cho cư dân sử dụng làm lối đi nhưng sự việc vẫn chưa có phương án giải quyết.
Lỗi do ai?
Được biết, vào năm 2005, ĐH Thăng Long đã được UBND Hà Nội giao 23.608 m2 đất tại phường Đại Kim để xây dựng trường theo Quyết định số 967 ngày 23/2/2005 và Quyết định số 4558 ngày 6/7/2005. Theo đó, ĐH Thăng Long đã tiến hành giải phóng mặt bằng, đền bù cho các hộ dân có đất bị thu hồi và được UBND Hà Nội cấp sổ đỏ năm 2006.
Trao đổi với PV, đại diện ĐH Thăng Long khẳng định phần đất mà người dân đang đòi mở đường ra làm lối đi hoàn toàn thuộc ranh giới đất mà Hà Nội giao cho trường, không liên quan gì tới đất của Dự án KĐTM Đại Kim của Hacinco. Theo trường này, việc Hacinco quy hoạch lối đi của các căn hộ TT5-1, TT5-2 thuộc Dự án KĐTM Đại Kim ra phần đất thuộc quyền quản lý của trường là trái pháp luật. “Hacinco phải chịu trách nhiệm quyền lợi với người mua nhà và ĐH Thăng Long hoàn toàn không liên quan đến việc mua bán này”, đại diện trường này nêu quan điểm.
Theo tìm hiểu, thực ra trong 23.608m2 mà Hà Nội giao cho ĐH Thăng Long từ năm 2005 có 3.236m2 vốn trước đó đã được quy hoạch làm đường giao thông chung của thành phố (mặt cắt 17,5m) để kết nối với đường vành đai 3 và đường Kim Giang.
Đáng lẽ khi phát hiện phần đất quy hoạch làm đường giao thông bị cấp chồng lấn sang phần đất xây dựng nhà trường thì thời điểm đó, Hà Nội cần phải thu hồi để tách hẳn phần đất này ra khỏi quyết định cấp đất cho ĐH Thăng Long. Nhưng trong quyết định điều chỉnh sau đó, Hà Nội đã không thực hiện như vậy mà chỉ hạn chế quyền sử dụng đối với phần đất cấp nhầm này khi không cho ĐH Thăng Long xây dựng công trình kiên cố, nhưng lại cho trường được toàn quyền quản lý.
Liên quan đến con đường chung rộng 17,5m, đại diện ĐH Thăng Long cho biết, sẽ ủng hộ việc thực hiện dự án và sẵn sàng thực hiện bàn giao 3.236m2 đất đang quản lý cho đơn vị đầu tư xây dựng đường quy hoạch khi có quyết định thu hồi đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
Theo cách trả lời của ĐH Thăng Long cho thấy, để người dân KĐTM Đại Kim có quyền đi ra đường vành đai 3 qua phần đất mà trường này đang quản lý, thì dự án đường 17,5m được quy hoạch kia phải được đầu tư xây dựng và Hà Nội phải ra quyết định thu hồi đất của trường để giao cho đơn vị thực hiện dự án.
Nhưng để làm được con đường này không phải ngày một ngày hai là xong, chưa kể nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, làm tuyến đường hoàn chỉnh... Và như vậy, nếu như Hà Nội chưa có biện pháp giải quyết khúc mắc này chắc còn lâu người dân ở đây mới có thể tìm thấy đường đi ra khỏi căn hộ mình đã mua từ Hacinco.