Dự án “mập mờ”?
Các hộ gia đình ở đây chủ yếu là bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng và cán bộ công nhân viên (CBCNV) ngành GTVT được điều động về làm việc và sinh sống ở cụm 9 từ những năm 1972. Trong quá trình sinh sống, ngoài diện tích nhà ở được phân, các hộ dân tự khai hoang, phục hóa để canh tác, phải được hợp thức và cấp sổ đỏ vì đất đã ổn định trên 30 năm.
Ngày 2/7/2008, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2538/QĐ-UBND thu hồi 11.276m2 đất tại cụm 9 của các hộ dân giao cho Cty CP GTVT để đầu tư xây dựng “Khu nhà ở cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ” để bán cho CBCNV ngành GTVT.
Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng trong quá trình thu hồi đất và thực hiện dự án chủ đầu tư có nhiều dấu hiệu khuất tất, như: Ngày 12/9/2003, Bộ GTVT có Công văn số 4047/KHĐT gửi UBND TP Hà Nội về việc “Xin lập Dự án đầu tư xây dựng nhà ở CBCNV”, nêu rõ: “Để khắc phục khó khăn về nhà ở cho CBCNV trong ngành, Bộ GTVT xin trân trọng đề nghị UBND TP cho phép được lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở...”, trên cơ sở Chỉ thị liên tịch số 10/2003/CT-LT ngày 18/4/2003 về việc giải quyết nhà ở CBCNV trong ngành GTVT, là những trường hợp đang khó khăn về nhà ở (không có nhà hoặc quá chật chội)… Trong quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở (nếu có) phải đảm bảo tính công khai dân chủ…
Nhưng, theo phản ánh thực tế đây là dự án nhà ở hỗn hợp, trong đó nhà chung cư là 3.562m2 (11 tầng) và diện tích đất xây nhà ở có vườn là 1.808m2 (gồm 12 lô). “Dự án bán cho CBCNV ngành GTVT đang khó khăn về nhà ở, nhưng lại có cả nhà vườn thì những nhà vườn này sẽ được bán cho CBCNV nào đang gặp khó khăn về nhà ở?”, các hộ dân thắc mắc.
“Khuất tất” để chuyển đổi mục đích?
Ngày 16/9/2016, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội có Công văn số 5328/QHKT-P9 về việc “Điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc Dự án khu nhà ở cụm 9, phường Phú Thượng” và Công văn số 6266/QHKT-P9 ngày 21/10/2016 về việc “Bổ sung, làm rõ nội dung điều chỉnh mặt bằng và phương án kiến trúc Dự án khu nhà ở Cụm 9, phường Phú Thượng” gửi UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy mô dự án lên 31-33 tầng, bố trí khoảng 1.400 người (chưa tính số lượng tái định cư).
“Với quy mô dự án như vậy, nếu để bán cho CBCNV ngành GTVT đang gặp khó khăn về nhà ở có đúng không? Chúng tôi cho rằng dự án này có dấu hiệu thay đổi mục đích để trở thành dự án kinh doanh thương mại?”, các hộ dân đặt câu hỏi.
Đáng nói, tại Quyết định số 2538/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội thu hồi 11.276m2 đất của các hộ dân giao cho Cty CP GTVT được ban hành vào ngày 2/7/2008, tại Điều 6 nêu rõ: “Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Sau 12 tháng kể từ ngày giao đất ngoài thực địa, nếu không sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, thì Giám đốc Sở TN&MT trình UBND TP quyết định thu hồi đất đã giao”.
Trong khi đó, Giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 4/5/2007 quy định thời hạn thực hiện dự án và tiến độ thực hiện dự án là 3 năm. Như vậy, đến nay lẽ ra dự án này phải bị thu hồi do không đảm bảo tiến độ, nhưng không sao vẫn chưa bị thu hồi?
Được biết, ngày 28/1/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 471/UBND-TNMT với nội dung: “Giao các sở, ngành chức năng liên quan, UBND quận Tây Hồ, Cty CP GTVT tiếp tục thực hiện Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 2/7/2008 của UBND TP”.
Tuy nhiên theo các hộ dân, việc ban hành văn bản này không đảm bảo tính pháp lý vì thời hạn thực hiện dự án đã hết, Quyết định số 2538 không còn hiệu lực!? Và theo Giấy chứng nhận đầu tư thì thời hạn thực hiện dự án và tiến độ thực hiện dự án là 3 năm đến nay đã quá thời hạn. Điều này đồng nghĩa với việc Giấy chứng nhận đầu tư cũng đã hết hiệu lực theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy người dân đã làm đơn kiến nghị UBND TP Hà Nội hủy bỏ Quyết định thu hồi đất số 2538.
Ngày 11/12/2018, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã có Văn bản số 3208-GB/VPTU/td gửi ông Lê Trung Sơn (đại diện) với nội dung “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Văn phòng Thành ủy đã chuyển đơn của ông đến UBND TP Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền”. Ngày 13/12/2018, HĐND TP Hà Nội cũng đã có Phiếu chuyển đơn số 251/PCĐ-HĐND đến UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời người có đơn và thông báo kết quả giải quyết đến Thường trực HĐND TP.
Tiếp đến, ngày 03/1/2019, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Văn bản số 49/VP-ĐT gửi Sở TN&MT, UBND quận Tây Hồ “về việc xem xét ý kiến của Công ty Luật Hợp danh Niềm Tin Việt có liên quan đến quyết định thu hồi và giao đất thực hiện dự án Khu nhà ở cụm 9…”. Theo đó, truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Giao Sở TN&MT kiểm tra, rà soát, đề xuất, báo cáo UBND TP theo quy định của pháp luật”.
Thế nhưng đến nay kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…