Như trước đó Báo PLVN đã phản ánh, một trong những nguyên nhân khiến người dân bức xúc phản đối dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Rẻ Quạt là do việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư của UBND quận Thanh Xuân được tiến hành một cách qua loa, chiếu lệ.
Lỗi do người đánh máy?
Mục đích của việc lấy ý kiến người dân đối với quy hoạch đô thị là nhằm đảm bảo tính khả thi, hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng, nhưng trong danh sách được gọi là “đại diện cộng đồng dân cư” lấy ý kiến điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cho một dự án mà UBND quận Thanh Xuân đóng vai trò chủ đầu tư, 32 cá nhân nhận được phiếu lấy ý kiến thì cả 32 đều là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phường Hạ Đình (cán bộ cấp dưới của UBND quận), không có bất cứ người dân nào trong diện bị thu hồi đất ở dự án được lấy ý kiến.
Không chỉ cố tình “né tránh” dân, trong 29 phiếu lấy ý kiến (được chủ đầu tư cho là hợp lệ - PV) đối với quy hoạch Dự án hồ Rẻ Quạt cũng cho thấy, việc tiến hành lấy ý kiến cộng đồng dân cư đã được chủ đầu tư tiến hành rất hình thức nếu không muốn nói là cẩu thả và coi thường quy trình.
Nhìn vào 29 tờ phiếu lấy ý kiến một cách trả lời người một kiểu, không ai nghĩ đó là những lá phiếu được thu thập nhằm mục đích điều tra nghiêm túc, để cơ sở đánh giá chính xác tính hài hòa giữa lợi ích nhà nước và người dân ở một dự án liên quan đến đời sống dân sinh hàng trăm con người như Dự án hồ Rẻ Quạt.
Nhìn vào số phiếu thu về để tổng hợp và sau này được chủ đầu tư công bố “có 82,76 cộng đồng dân cư đồng ý quy hoạch dự án” cho thấy, nếu người được lấy ý kiến có ký họ tên, chức danh ở dưới thì lại không tích vào ô cần đánh dấu ghi ý kiến “đồng ý” hay “không đồng ý”, còn người nếu đã tích vào ô trống thì lại không thấy ký tên, thậm chí không ít phiếu không ghi rõ ngày tháng phiếu đó được lấy ý kiến góp ý. Điều này đã được chính UBND quận Thanh Xuân thừa nhận và phân tích rõ ràng trong Văn bản số 1092 ban hành ngày 9/7/2018 về việc trả lời kiến nghị của các hộ dân về quy hoạch thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Rẻ Quạt.
Tuy nhiên, với vai trò chủ đầu tư dự án, dường như UBND quận Thanh Xuân không muốn thay đổi kết quả mà cơ quan này đã thực hiện có sai sót, khi cho rằng việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch vẫn được thực hiện theo đúng quy định(?). “Tuy nhiên, thành viên tổ công tác còn một số thiếu sót trong việc đánh máy danh sách và điền ngày trong phiếu lấy ý kiến của mình trước khi bàn giao lại cho Ban Quản lý dự án” - UBND quận “đổ” những lỗi sai sót này cho một vài cá nhân trong tổ công tác.
Vì sao phải “né tránh” dân?
Liên quan đến việc nằm trong danh sách 32 cán bộ được UBND quận Thanh Xuân mời tham gia góp ý kiến cho Dự án hồ Rẻ Quạt, trong một cuộc họp với cư dân vào ngày 23/7/2018, bà Nguyễn Thị Liên - Tổ phó Tổ dân phố 11, ông Mai Thế Thịnh - Tổ trưởng Tổ dân phố 11 Hạ Đình, bà Lê Thị Ngoan - Tổ trưởng Tổ dân phố 13b đều phủ nhận không đại diện cho cộng đồng dân cư bị thu hồi đất và nằm trong quy hoạch của dự án như UBND quận công bố.
Bà Liên cho biết, bà có góp ý rằng Dự án triển khai nhưng không nên làm xáo trộn cuộc sống người dân. “Tôi không đại diện cho các hộ dân nằm trong Dự án để đóng góp ý kiến vào Dự án hồ Rẻ Quạt, cùng như quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án. Tôi phản đối với ý kiến trả lời của UBND quận Thanh Xuân qua Văn bản 1092 mới đây” - bà Liên cho biết.
Theo quy định của Nhà nước, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư về quy hoạch là công tác cần thiết nhằm bảo đảm cho đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia ý kiến đóng góp về dự kiến quy hoạch, dự kiến triển khai dự án có tác động đến quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư trong khu vực.
Trong một văn bản trả lời kiến nghị cử tri gần đây đề cập xung quanh việc quản lý đô thị hiện nay của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, ý kiến cộng đồng dân cư là một trong các cơ sở để UBND thành phố xem xét, quyết định nội dung điều chỉnh quy hoạch đô thị.
Trong Văn bản số 86/BXD-KTQH ban hành ngày 18/8/2011, hướng dẫn lấy ý kiến của cá nhân và cộng đồng dân cư về quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng cũng đã xác định rõ phạm vi lấy ý kiến là: các cá nhân, cộng đồng dân cư nằm trong phạm vi quy hoạch và những khu vực xung quanh khu đất quy hoạch, bị ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện quy hoạch về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường.
Như vậy, việc chỉ nhăm nhăm lấy ý kiến của một vài cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, rồi lý luận rằng đó là ý kiến của cộng đồng dân cư vì cán bộ chủ chốt là do dân bầu ra, chẳng qua là cách để né tránh khó khăn trước người dân. Với việc tiến hành qua loa hình thức trong việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với Dự án hồ Rẻ Quạt, rõ ràng UBND quận Thanh Xuân đang đi ngược với mục đích của quy hoạch, các quy định hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và cho thấy thái độ thiếu thận trọng trong ứng xử đối với quyền lợi ích hợp pháp của người dân.
“Đừng hỏi cho có”
Trả lời báo chí về việc lấy kiến cộng đồng dân cư đối với quy hoạch, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho rằng, việc lấy ý kiến cộng đồng cũng đã được quy định nhưng phải xác định đối tượng hỏi lấy ý kiến là những ai. Khi hỏi ý kiến cộng đồng phải phân tích chứ không phải hỏi cho có. Phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh chứ không phải mang tính hình thức. Đây là chuyện lớn, là cả một vấn đề điều tra xã hội học. Không phải hỏi hời hợt một vài người mà nói là điều tra.