Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Không để tình trạng “một tay che trời”

(PLO) - Đó là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt khi cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), hôm qua (11/9). 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 14 của UBTVQH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 14 của UBTVQH.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, dự án Luật sẽ áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế- xã hội. Các chính sách này cần được quy định với mức ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành áp dụng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp cao, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các mô hình này trong thời gian vừa qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Luật cần cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm sự thành công của mô hình.

Đồng quan điểm với Báo cáo thẩm tra, UBTVQH cho rằng, song song với việc giao quyền hạn đặc biệt cho các đơn vị hành chính đặc biệt này thì cần có cơ chế kiểm soát cũng phải đặc biệt. Và giao quyền cho Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được trái với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, trao quyền nhưng phải minh bạch, quy định rõ Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được làm gì, không được làm gì, “không để tình trạng một tay che thấu trời”.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát, nếu không có vai trò giám sát của HĐND, cần nghiên cứu một cơ chế giám sát riêng cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ chế giám sát này phải phù hợp với Hiến pháp.

Cùng ngày, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, UBTVQH đề nghị dự án Luật nên sửa đổi, tập trung mạnh vào việc thúc đẩy 2 mảng chính là thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Về thành tích cao, nên hướng đến đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư cho các môn thể thao thi Olympic, không nên đầu tư dàn trải. Tương tự, về thể thao quần chúng cũng cần sửa đổi, hướng mạnh đến vấn đề về chất lượng.

Liên quan đến đặt cược thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng cần phải có phân tích thuyết phục và cụ thể hơn; bảo đảm tính nguyên tắc, an ninh trật tự trong đặt cược thể thao và nguồn thu từ đặt cược phải được sử dụng để đầu tư cho phát triển thể dục thể thao.

Đọc thêm