Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng: Đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới

(PLVN) -  Những hạn chế, bất cập và thực tiễn đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP&KQS) trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Pháp lệnh năm 1994 để đáp ứng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) hiện nay; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ Quốc phòng họp báo về dự án Luật Quản lý, bảo vệ CTQP&KQS.
Bộ Quốc phòng họp báo về dự án Luật Quản lý, bảo vệ CTQP&KQS.

CTQP&KQS là tài sản nhà nước, được giao Quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có ý nghĩa trong chiến tranh mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước ngay từ trong thời bình để sẵn sàng đối phó mọi tình huống có thể xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển KTXH. Việc xây dựng, quản lý, bảo vệ CTQP&KQS là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, nòng cốt là lực lượng Quân đội.

Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Cục phó Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu), cho biết, ngày 19/5/1994, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ CTQP&KQS. Sau gần 30 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập như: Việc xác định phạm vi, ranh giới khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn CTQP&KQS trên thực tế chưa thống nhất, khó khăn trong thực hiện, do pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng về các tiêu chí xác định và chế độ quản lý với từng khu vực này; một số công trình quốc phòng, lô cốt, hầm hào cũ nằm rải rác trong các khu dân cư hoặc trên các trục đường, giá trị sử dụng hạn chế do ảnh hưởng của quá trình phát triển KTXH (đô thị hóa, các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông,...).

Các khu quân sự là thao trường, bãi tập, trường bắn... công trình quốc phòng thường nằm trên vùng đồi núi, địa hình phức tạp, có nơi ranh giới chưa rõ ràng nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn, còn xảy ra hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh trái phép vào các khu vực được giao quản lý, bảo vệ. Hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến CTQP&KQS còn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn..

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Việc quản lý, bảo vệ CTQP&KQS có các quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định, hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống VBQPPL tiếp tục được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung; trong đó, có nhiều nội dung liên quan công tác quản lý, bảo vệ CTQP&KQS. Tuy nhiên, do Pháp lệnh ban hành từ 1994 nên nhiều nội dung không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ pháp luật hiện hành.

Thực tiễn cho thấy, qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gần đây, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì CTQP&KQS có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.

Từ những lý do trên, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP&KQS là cần thiết.

Dự án Luật Quản lý, bảo vệ CTQP&KQS được xây dựng từ giữa 2022. Ban soạn thảo đã khảo sát, hội thảo tại 6 tỉnh thành; lấy ý kiến 48 ban, bộ, ngành, địa phương; xin ý kiến rộng rãi cơ quan, tổ chức, DN, nhân dân trong và ngoài nước.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Dự luật được xây dựng gồm 6 chương, 34 điều; với 4 nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ CTQP&KQS và nội dung quản lý, bảo vệ CTQP&KQS; Chế độ quản lý, bảo vệ với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự các CTQP&KQS; Chuyển mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời CTQP&KQS; Chính sách với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ CTQP&KQS.

Luật quy định nguyên tắc cơ bản về chế độ quản lý, bảo vệ với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn và hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các CTQP&KQS (trong đó có việc ra vào, đi lại, cư trú, sản xuất, kinh doanh, quay phim, chụp ảnh và các hoạt động khác trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ).

Theo kế hoạch, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến với dự án luật lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5 tới và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Đọc thêm