Hoàn thiện thể chế phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV đã có quy định về chính sách huy động, sử dụng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khắc phục các bất cập thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo của Thủ đô, hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, dự thảo Luật quy định cho phép TP Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực. Phạm vi lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát gồm có các giải pháp công nghệ mới; mô hình Quỹ Đầu tư mạo hiểm TP Hà Nội; mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa; mô hình kinh doanh mới khác.
Điều kiện, phạm vi, thời gian thử nghiệm là các giải pháp công nghệ mới thuộc lĩnh vực công nghệ cao (CNC), lĩnh vực công nghệ trọng điểm của TP Hà Nội; ưu tiên các giải pháp công nghệ mới có thể tiến hành thử nghiệm trong khu CNC của TP; thời gian thử nghiệm giải pháp công nghệ mới tối đa là 3 năm. UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế quản lý cơ chế thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới.
Tại Hội thảo Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực KH&CN trọng điểm của Thủ đô, do UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, ông Dương Thành Nhân, Vụ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để khuyến khích phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, định hướng của Chính phủ.
Cần được ứng dụng trong không gian thực tế
Theo ông Dương Thành Nhân, khi xây dựng, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cần xem xét đến những yếu tố bao gồm những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ truyền thông; khoảng thời gian thử nghiệm; sự giám sát từ cơ quan quản lý; sự hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan quản lý... Trong đó, khoảng thời gian thử nghiệm có thể thay đổi tùy theo loại và mục tiêu của từng sandbox, nhưng phải có giới hạn về thời gian để giữ cho quy trình diễn ra linh hoạt và ngăn chặn các mô hình kinh doanh kém phát triển hoạt động vô thời hạn.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Chu Thị Hoa cho rằng, cần có tư duy lập pháp “mở” và “linh động” để lập pháp “đồng hành” cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đối với những vấn đề “quản không được” hoặc chưa hiểu rõ thì cần cân nhắc áp dụng khung pháp lý thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế (sandbox).
Bà Chu Thị Hoa kiến nghị xây dựng và áp dụng sandbox cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới; cho phép thử nghiệm hoạt động kinh doanh mới, có tính chất đổi mới sáng tạo trong phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh trước khi trở thành chính sách chung. Trong đó, cần lưu ý nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống; quy định quản lý phải theo hướng hạ thấp các rào cản về gia nhập thị trường, rào cản đối với các start-up... để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường của QH về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đại biểu QH TP Đà Nẵng) cho rằng, không nên chỉ giới hạn cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại khu CNC, bởi việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu CNC có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ. “Có một số công nghệ cần được ứng dụng trong không gian thực tế, cần có cư dân sinh sống mới có hiệu quả. Ví dụ, robot giao thức ăn tự hành cần có nơi, có cư dân sinh sống, bán thức ăn để thử nghiệm cho thức ăn đến nhà dân”, Đại biểu nói.
Ngoài ra, theo Đại biểu, các loại robot và xe tự hành cần có giao thông thực tế - dù mật độ thấp - để mô hình trí tuệ nhân tạo có thể học và phát triển. “Các mô hình trí tuệ nhân tạo như một em bé cần được học nhiều tình huống khác nhau và nếu chỉ thử nghiệm trong khu vực khép kín, phòng thí nghiệm sẽ không học được nhiều. Tất nhiên, khi thử nghiệm trong thực tế phải bảo đảm có cơ chế kiểm soát an toàn và có người giám sát”, Đại biểu nói thêm.