Trong khi chưa “cập nhật” được thì việc thẩm định và phê duyệt hợp đồng thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện dựa vào định mức dự toán đã ban hành cách đây hơn 10 năm liệu có đúng quy định và đảm bảo ngân sách nhà nước không bị thất thoát?
Xây dựng định mức kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Thực hiện Quyết định số 1791/QĐ - TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (về phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước các hệ thống thiết bị phụ của nhà máy nhiệt điện) ngày 23/4/2013, Bộ Công Thương đã có Quyết định 2572/QĐ-BCT ban hành định mức dự toán chuyên ngành thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện.
Quyết định nêu rõ: “Tập định mức là cơ sở để lập đơn giá xây dựng cơ bản, lập và phê duyệt dự toán chi phí, thanh quyết toán khối lượng thiết kế, chế tạo thiết bị hoàn thành của các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1”. Thế nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí thì nhiều hạng mục nguyên vật liệu tại định mức này có giá cao hơn nhiều so với thị trường, đơn cử như giá thép tấm CT3, CT38, SS4000…
Đáng nói là Quyết định 2572 nêu trên được ban hành dựa trên đề nghị của Viện Nghiên cứu cơ khí Narime (trực thuộc Bộ Công Thương). Tuy nhiên, Viện Narime cũng đồng thời là đơn vị đã được giao nhiều gói thầu tại dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (một dự án áp dụng định mức dự toán này).
Trong khi còn đang thắc mắc về tính công khai, minh bạch của việc “trúng thầu” này thì nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đặt câu hỏi liệu có xuất hiện “lợi ích nhóm” trong việc xây dựng định mức dự toán như trên? Tại sao lại có tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trên?
Mới đây, cho rằng để “cập nhật” và “phù hợp với quy định của pháp luật”, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến đối với định mức dự toán nêu trên. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đã có văn bản trả lời Bộ Công Thương phải có báo cáo đánh giá cụ thể về dự án.
Hiện Bộ Công Thương mới gửi sang kết quả, nhưng kết quả này lại chưa có căn cứ. Khi có đánh giá về kết quả còn phải áp dụng với quy định hiện hành và lúc đó mới đi đến thống nhất định mức sao cho phù hợp với thị trường.
Và như vậy thì chưa biết đến bao giờ định mức dự toán “cập nhật” mới được ban hành. Trong khi đó thì nhiều gói thầu tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vẫn phải triển khai thi công. Trả lời về vấn đề này bên lề Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” được Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: “Cũng có nhiều lý do! Bộ Công Thương đang rà soát lại”.
Doanh nghiệp xin giao việc để có thị trường
Tại Hội thảo nêu trên, đại diện Bộ Công Thương đánh giá, một số mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2002-2010 chưa được hoàn thành, năng lực nghiên cứu tư vấn ứng dụng công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế, các sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ khá mang thương hiệu Việt còn ít ỏi…
Để khắc phục hạn chế trên, ông Trần Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cho rằng, chính sách cụ thể trong Chiến lược vẫn còn yếu nên các chủ trương chỉ là khẩu hiệu, khó đi vào cuộc sống. Đối với doanh nghiệp, cái cần nhất là thị trường, nếu không có thì dù đầu tư cũng phá sản hoặc không muốn đầu tư. Cần ưu đãi làm sao để giúp doanh nghiệp tham gia vào các dự án trong nước; từng bước tạo ra sản phẩm và xây dựng uy tín trên thị trường.
Cho rằng để có thị trường thì cần có sự liên kết, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khi Quang Trung cho rằng, việc liên kết của chúng ta là rất yếu.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Giám đốc EEMC nói: “Không cần xin hỗ trợ bất cứ điều gì, chỉ muốn xin được... giao việc. Tất nhiên là sản phẩm của đơn vị phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và giá thành cũng phải cạnh tranh theo giá dự toán của gói thầu”.
Trong khi đó thì bản thân ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Narime (đơn vị được giao một số gói thầu, trong đó có gói thầu chế tạo khoảng 6.000 tấn thiết bị, tổng trị giá khoảng 330 tỉ đồng tại dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1) cũng có quan điểm: Nhà nước thay vì hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thì hãy tạo cho doanh nghiệp thị trường, việc đầu tư, phát triển thế nào là của doanh nghiệp, không cần Nhà nước phải tham gia sâu.