Hai chữ “Công” của Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng

(PLO) - Trao đổi với Pháp luật Việt Nam về những điều trăn trở nhất khi nhận trọng trách mới, tân Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể chia sẻ về những chương trình, kế hoạch phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, và đặc biệt nhấn mạnh việc phải xây dựng bộ máy công quyền công khai, công tâm.
Ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng
 Ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Dự khuyết
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng
Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên mà đồng chí sẽ thực thi để hoàn thành mục tiêu này là gì? 
- Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Khẩn trương sơ, tổng kết, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao, đẩy mạnh chuyển đổi vật nuôi cây trồng, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ mới, đẩy mạnh cơ giới hoá, phát huy lợi thế đặc thù của tỉnh... 
Qua nghiên cứu chúng tôi phát hiện, trên địa bàn tỉnh đang tồn lại nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có lợi nhuận rất cao (khoảng 80-120 triệu đồng/1ha/năm), khá ổn định (chủ động hơn trong tiêu thụ), cao hơn rất nhiều so với mô hình sản xuất theo thói quen truyền thống (trồng hành, trồng lúa có lợi nhuận khoảng 40-50 triệu đồng/1ha/năm, có năm không có lãi). 
Hy vọng trong năm đầu tiên sau Đại hội, một số mô hình sản xuất hiệu quả sẽ được triển khai tại các huyện thị, trong năm thứ hai sau Đại hội, các mô hình này sẽ được triển khai trên diện rộng... 
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, vấn đề kinh tế lớn nhất của Sóc Trăng là năng suất lao động còn thấp. Vậy tới đây tỉnh sẽ có giải pháp nào để cải thiện tình hình? 
- Bên cạnh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả (như đã nêu trên), chúng tôi sẽ triển khai chương trình xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ dựa vào lợi thế sông Hậu, sông Trần Đề, cù lao Dung, sân bay quốc tế Cần Thơ và luồng tàu 20.000 tấn vào cảng Cái Cui. 
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xúc tiến chương trình phát triển du lịch, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái dựa vào thế mạnh độc đáo của tỉnh là hệ thống các di tích lịch sử, tôn giáo, danh lam thắng cảnh phong phú, nền văn hoá và ẩm thực đặc sắc... Với các chương trình này chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao năng suất lao động một cách rõ rệt, quyết tâm xây dựng Sóc Trăng trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020.
Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu sản lượng lúa bình quân đạt trên 2 triệu tấn/năm, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 40%. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đối mặt với sức ép từ hội nhập, đặc biệt là việc gia nhập TPP, những con số trên liệu có “đóng khung” việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng để thích ứng nhanh với thị trường quốc tế?
- Lúa và lúa đặc sản đang là thế mạnh của tỉnh. Sóc Trăng đã lai tạo thành công nhiều loại gạo đặc sản chất lượng cao, có ưu thế về giá và khả năng suất khẩu. Dựa vào chủ trương chung của Chính phủ, căn cứ dự báo hiện tại, Sóc Trăng đã đặt ra mục tiêu giữ vững sản lượng 2 triệu tấn lúa / năm và phấn đấu 40% là lúa đặc sản... 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết, căn cứ vào các điều kiện thực tế, đặc biệt là diễn biến tình hình sản xuất, giá cả và nhu cầu lương thực tế trên thế giới... chúng tôi sẽ điều hành linh hoạt kịp thời điều chỉnh, linh hoạt điều hành sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn Nghị quyết đã đề ra.
Vừa có kinh nghiệm từ cơ sở, vừa có kinh nghiệm hoạch định chính sách và quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, nhiều người kỳ vọng đồng chí sẽ tạo được “cú hích” để nâng cao mức sống người dân Sóc Trăng. Đồng chí có thể chia sẻ điều trăn trở nhất khi nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy? 
- Sóc Trăng có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh đặc thù trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; nhân dân trong tỉnh luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo; nguồn lao động trẻ rất dồi dào... nếu khai thác tốt các thế mạnh này tôi tin chắc Sóc Trăng sẽ có điều kiện phát triển đột phá. Như vậy vấn đề trăn trở ở đây là phải đề ra được các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực tế nhằm phát huy các thế mạnh nội lực vốn có; về ngoại lực, phải trải thảm đỏ, thảm đẹp mời gọi, nâng niu và giúp đỡ các nhà đầu tư một cách có hiệu quả để thu hút vốn và các dự án kinh tế xã hội; phải giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội để đảm bảo môi trường phát triển; đặc biệt, phải xây dựng bộ máy công quyền công khai, công tâm, minh bạch, dân chủ, hiệu quả...
Xin cảm ơn đồng chí!
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhất quán phương châm chỉ đạo trong suốt nhiệm kỳ là: “Đoàn kết, sáng tạo, phát triển”. Đại biểu thống nhất một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá so sánh 2010) bình quân 5 năm (2016 - 2020) từ 8 - 9%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.320 USD. Sản lượng lúa bình quân đạt trên 2 triệu tấn/năm, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 40%. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản 348.500 tấn, trong đó khai thác biển 76.000 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 185 triệu đồng. Có 50% xã trở lên hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên, huyện Mỹ Xuyên và huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn huyện nông thôn mới...

Đọc thêm