Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam tại KCN Sông Công II: Việc thu hút đầu tư vào Thái Nguyên là đúng pháp luật

(PLVN) - Đó là khẳng định của ông Trần Văn Long - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp (BQLCKCN) tỉnh Thái Nguyên khi trao đổi với Báo PLVN về ý kiến cho rằng Ban này vượt thẩm quyền khi cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam (Dự án) do Công ty TNHH Interweave Holdings vào KCN Sông Công II. 
Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam tại KCN Sông Công II: Việc thu hút đầu tư vào Thái Nguyên là đúng pháp luật

Ông có thể nói rõ trình tự Dự án được chấp thuận vào KCN Sông Công II?

- Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, BQLCKCN tỉnh đã tiếp nhận Hồ sơ đăng ký đầu tư Dự án đăng ký đầu tư vào KCN Sông Công II. Cụ thể là Quyết định (QĐ) số 880 ngày 9/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; QĐ số 260 ngày 7/2/2915 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Và QĐ số 7157 ngày 26/11/2012 của Bộ Công Thương về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đối với ngành dệt may cần “kêu gọi đầu tư dự án sản xuất sợi, dệt, nhuộm hoàn tất và trung tâm thiết kế, phát triển mẫu mốt thời trang tại Thái Nguyên…”. 

Trên cơ sở hồ sơ và báo cáo của Ban, UBND tỉnh đã có Văn bản số 4488 ngày 5/11/2018 báo cáo xin chủ trương và Thường trực Tỉnh ủy đã có Thông báo số 2072 ngày 15/11/2018 thống nhất nội dung đề xuất, giao UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét theo Quy chế làm việc. Trên cơ sở Báo cáo tại Văn bản số 4731 ngày 16/11/2018 của UBND tỉnh, Ban Thường vụ đã có Thông báo số 364 ngày 23/11/2018 đồng ý chủ trương thực hiện Dự án. Sau đó, UBND tỉnh đã có Văn bản số 4831 ngày 23/11/2018 đồng ý chủ trương thực hiện Dự án và giao BQLCKCN Thái Nguyên phối hợp cùng các ngành hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục liên quan. Có thể khẳng định với những căn cứ nêu trên, việc thu hút đầu tư Dự án vào KCN Sông Công II là chủ trương của tỉnh và hoàn toàn đúng quy định pháp luật. 

Có ý kiến cho rằng, Dự án có tổng mức đầu tư 350 triệu USD thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nên việc UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban QLCKCN tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án là vượt thẩm quyền? Ý kiến của Ban về thông tin này như thế nào?

- Tại khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư 2014 quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với các dự án không thuộc trường hợp theo Khoản 1 của Điều này nhưng có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng. Tại khoản 7 Điều 34 của Luật Đầu tư cũng quy định: Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện thẩm định dự án đầu tư do Thủ tướng Chỉnh phủ quyết định chủ trương đầu tư. 

Nghị định số 118 ngày 12/11/2015 của Chính phủ đã chi tiết hóa các quy định này và hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện thẩm định dự án đầu tư quy định tại Khoản 2, Điều 31 do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đã được phân cấp cho địa phương. Theo điểm b, Khoản 9, Điều 31 Nghị định số 118: Đối với các Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư nhưng phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT và cơ quan có liên quan theo quy định, thì thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định sau: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ KH&ĐT và cơ quan có liên quan, BQLCKCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư”.      

Ban không chỉ thực hiện đầy đủ các quy trình thẩm định theo các quy định trên mà còn báo cáo UBND tỉnh, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên theo đúng trình tự quy định của Nhà nước và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi khẳng định, việc Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án là hoàn toàn đúng pháp luật về thẩm quyền và trình tự, thủ tục đầu tư. 

Thưa ông, cho đến thời điểm hiện nay, Dự án vẫn chưa được phê duyệt báo cáo ĐTM. Vậy, tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có trái với quy định? 

- Khoản 2, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đúng là có quy định: Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án. 

Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư ban hành và có hiệu lực pháp luật, khoản 2 Điều 4 Luật này có quy định: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Luật BVMT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 còn Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Như vậy, quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đầu tư trong Luật BVMT đã không còn phù hợp với Luật Đầu tư. 

Hơn nữa, Nghị quyết 110 ngày 25/8/2018 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, trong đó Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BVMT theo hướng: Thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng; trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ yêu cầu đánh sơ bộ tác động môi trường của dự án, báo cáo ĐTM được phê duyệt trước khi triển khai dự án. 

Từ những cơ sở pháp lý này, có thể thấy, việc Ban cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là đúng quy định của pháp luật. 

Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đọc thêm