Dự án nhà ở tại phường An Khánh, Thủ Đức (TP HCM): Vì sao 24 năm vẫn chưa thể triển khai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao đất từ năm 1998, doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành nhiều nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không thể tiếp tục triển khai do một số hộ gia đình đã nhận tiền đền bù nhưng không bàn giao đất, xây nhà cho thuê; và một số hộ khác lấn chiếm, xây dựng trái phép…
Đất của dự án bị một số người dân lấn chiếm quây hàng rào và xây phòng trọ.
Đất của dự án bị một số người dân lấn chiếm quây hàng rào và xây phòng trọ.

Đây là thực trạng của dự án tại phường Bình An, quận 2, TP HCM (nay là phường An Khánh, Thủ Đức). Theo đó, năm 1998, Cty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh được Thủ tướng giao đất với diện tích 30.710m² để xây dựng khu nhà ở. Cty Trường Thịnh đã liên doanh xây dựng hạ tầng phát triển dự án với Cty TNHH Duy Đức (nay là Cty Cổ phần Đầu tư & Kinh doanh nhà Tân Việt An).

Chủ đầu tư đã đền bù 96% trên toàn đất của dự án, nộp tiền sử dụng đất năm 2005 và hoàn thành nghĩa vụ bổ sung tiền sử dụng đất năm 2015; thi công đạt 80% các tuyến giao thông, đã xây trạm điện, đưa điện nước về sử dụng tại dự án, đã hoàn thành tiền sử dụng đất.

“Đền bù chồng đền bù” trên cùng một diện tích đất

Dự án nằm trong diện tích đất của 3 chi trong một gia tộc là cụ Nguyễn Thị Hơn, có hai người con là bà Phạm Thị Bích Thủy và bà Phạm Thị Kim Xe (gọi tắt chi tộc bà Thủy); cụ Nguyễn Thị Nhuận có 4 người con là ông Ngô Văn Hai, Ngô Văn Biết, Ngô Văn Dấu, bà Ngô Thị Điều (gọi tắt chi tộc ông Hai); và cụ Nguyễn Thị Nhiều có 6 người con là bà Trần Thị Tĩnh, Trần Thị Huệ, Trần Thị Tư, Trần Thị Hương, ông Trần Văn Sang, Trần Văn Nghề (gọi tắt chi tộc bà Tĩnh).

Ngoài ra, còn có khoảng 50 hộ dân cư ngụ trên đất của 3 chi tộc này và một phần diện tích đất khác do các hộ dân khác sử dụng.

Năm 2003, chủ đầu tư đã thực hiện đền bù bằng hợp đồng mua bằng khoán của 3 chi tộc với chi tộc bà Thủy tổng diện tích là 11.997m². Trong đó, chủ đầu tư đã đền bù tiền cho gia đình bà Thủy, bà Xe diện tích 9.997m² và đất còn lại 2.000m² hoán đổi bằng 1.000m² đất nền tại dự án (tương đương 9 nền đất).

Chủ đầu tư đền bù tiền cho chi tộc ông Hai 10.000m² và diện tích đất còn lại 2.000m² hoán đổi bằng 1.000m² đất nền dự án (tương đương 9 nền đất). Ngày 23/2/2009, chủ đầu tư ký phụ lục hợp đồng thỏa thuận đền bù bổ sung phần diện tích tăng thêm 1.372,3m² cho chi tộc nhà ông Hai. Tổng số tiền và đất nền dự án chi tộc ông Hai nhận tương đương 13.373,3m².

Tiếp đến, chủ đầu tư đền bù tiền cho chi tộc bà Tĩnh 4.530m², hoán đổi 1.000m² đất còn lại lấy 500m² đất nền tại dự án (tương đương 4 nền). Ngày 23/6/2003, chủ đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng thỏa thuận đền bù bằng tiền phần diện tích tăng thêm là 1.285,5m². Như vậy, chi tộc bà Tĩnh đã nhận đền bù bằng tiền và đất nền tại dự án tương đương 6815,5m².

Sau khi thỏa thuận đền bù tiền và hoán đổi đất nền ở tại dự án cho 3 chi gia tộc bằng hình thức “Hợp đồng thỏa thuận đền bù và hoán đổi đất” tương đương 32.184,8m² (diện tích đền bù nhiều hơn so với diện tích thực tế), chủ đầu tư tiếp tục thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng với 50 hộ dân (cư ngụ trên đất của 3 chi gia tộc) với phần diện tích 9.602,4m²/32.184,8m². Tổng số tiền thỏa thuận cho 50 hộ dân hai lần là hơn 106,564 tỷ đồng.

Chủ đầu tư cũng đã thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng cho 9 hộ dân diện tích 1.798,1m² và chọn phương thức tái định cư tại chỗ theo quy định của phương án bồi thường; và 5 hộ dân thỏa thuận với chủ đầu tư đề nghị bố trí nền tái định cư tại dự án Khu quy hoạch phường Phú Hữu, quận 9 (cũ) nay là Thủ Đức (cũng do Cty Tân Việt An làm chủ đầu tư) để nhận bàn giao nền đất, hoặc chủ đầu tư xây dựng nhà để ở ngay.

Như vậy, chủ đầu tư đã đền bù có nơi 2 lần, đền bù chồng đền bù lên cùng một diện tích đất. Lần thứ nhất, chủ đầu tư đền bù đất có bằng khoán của 3 chi tộc và lần thứ hai, đã đền bù cho các hộ dân ở trên đất của 3 chi tộc.

Chủ đầu tư cho rằng năm 2020 con của bà Huệ lại xây dựng nhà không phép tại đất của dự án.

Chủ đầu tư cho rằng năm 2020 con của bà Huệ lại xây dựng nhà không phép tại đất của dự án.

Mong cơ quan chức năng vào cuộc gỡ vướng

Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, tại dự án, có những trường hợp đã nhận tiền đền bù và thỏa thuận hoán đổi đất lấy đất nền tại dự án, nhưng sau đó quay lại lấn chiếm đất, xây dựng không phép trên đất của dự án như trường hợp bà Phạm Thị Bích Thủy và con là Huỳnh Thanh Tùng; trường hợp chi bà Trần Thị Tĩnh và bà Trần Thị Huệ…

UBND phường Bình An (nay là phường An Khánh) đã nhiều lần ra Quyết định xử phạt và ban hành kế hoạch cưỡng chế các hộ lấn chiếm đất, xây dựng không phép trên đất của chủ đầu tư. Những Quyết định này đã được UBND cấp quận phê duyệt theo đúng trình tự pháp luật; nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện các phòng trọ, nhà xây dựng không phép, đất lấn chiếm bị rào chắn kiên cố; vẫn đang tồn tại trên đất dự án.

Giám đốc Cty Trường Thịnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: “Dự án bị một số người dân lấn chiếm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, nhưng chúng tôi luôn thượng tôn pháp luật, tin tưởng vào sự nghiêm túc và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Khi một số người dân lấn chiếm đất, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn phản ánh và đề nghị chính quyền địa phương xử lý theo đúng quy định, nhưng chưa được giải quyết triệt để”.

Cty Trường Thịnh kiến nghị chính quyền địa phương sớm triển khai thực hiện cưỡng chế việc chiếm đất và các công trình xây dựng trái phép đã được UBND quận 2 (cũ) nay là Thủ Đức ban hành quyết định cưỡng chế; xử lý nghiêm những người gây rối, cản trở Cty triển khai thực hiện dự án và ngang nhiên rào chắn chiếm khoảng 2.000m² đất của dự án; bảo đảm nghiêm minh của pháp luật.

Cty cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét hướng dẫn và xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp Hợp đồng đền bù giữa chủ đầu tư và chi tộc bà Trần Thị Tĩnh đã nhận tiền đền bù nhưng không bàn giao đất cho chủ đầu tư để triển khai phát triển dự án. Đồng thời, đề nghị xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho các hộ tái định cư và 14 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định từ 2014 đến nay.

“Chúng tôi kỳ vọng với sự quyết liệt của lãnh đạo cơ quan chức năng thuộc Thủ Đức và TP HCM, những vướng mắc pháp lý đang còn tồn đọng của dự án nhà ở tại phường An Khánh sẽ nhanh chóng được tháo gỡ”, ông Nghĩa nói.

Đọc thêm