Dự án thu phí không dừng: Đã thông tư tưởng và “chốt” thời gian triển khai

(PLO) - Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với nhà đầu tư các Dự án BOT đường bộ về việc triển khai công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC), đồng thời ấn định hạn chót ứng dụng công nghệ này vào ngày 30/4/2016.
Tương lai, hệ thống thu phí ở Việt Nam sẽ không có rào chắn
Ký hợp đồng trong tháng 11/2015
Công nghệ thu phí không dừng RFID đã được Thủ tướng cho phép áp dụng tại các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14). Đến nay, Bộ GTVT đã triển khai 3 trạm thu phí mẫu tại Quảng Bình, Nghệ An trên QL1 và trạm Đắk Nông trên QL14.
Theo đó, để thống nhất quản lý về công nghệ và thiết kế, Bộ GTVT đã chọn Cty Cổ phần Tasco làm nhà đầu tư (NĐT) tiếp nhận và chuyển giao công nghệ thu phí không dừng RFID tại tất cả các trạm thu phí trên QL1 và QL14. Bộ này cho biết thêm đã hoàn thành việc phê duyệt giá và các mẫu thiết kế trạm thu phí để triển khai đại trà. Phía Tasco sẽ thành lập một công ty cung cấp các dịch vụ liên quan đến thu phí điện tử. 
Đại diện Ban Quản lý các dự án đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, hiện trên QL1 và QL14 có gần 40 trạm thu phí của các NĐT. Sau khi có chủ trương triển khai ETC theo công nghệ RFID, Bộ đã có văn bản gửi các NĐT và mới nhận được phản hồi đồng ý của một số đơn vị. 
“Đối với các BOT nhận được sự đồng thuận của các nhà tài trợ vốn cũng như chủ đầu tư, Bộ sẽ xúc tiến ký Phụ lục hợp đồng ngay trong những ngày tới. Các NĐT còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán để tất cả các trạm triển khai đồng loạt ETC vào nửa đầu năm 2016 đúng như lộ trình Bộ đã vạch ra.” - ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng ban PPP nói. 
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thế Thảo, Tổng Giám đốc Cty TNHH Trùng Phương (nhà đầu tư BOT QL1 đoạn qua Thừa Thiên Huế) cho hay: “Đối với doanh nghiệp, những khoản chi dù chỉ một triệu đồng mà bất hợp lý chúng tôi sẽ dứt khoát không chi, nhưng nếu nó hợp lý thì dù phải bỏ ra tiền tỷ chúng tôi cũng không ngại. 
Thu phí tự động không dừng ETC vừa tiện lợi lại được quy về một đầu mối nên Trùng Phương ủng hộ và sẵn sàng ký Phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT để sớm ứng dụng công nghệ này” - ông Thảo khẳng định.
Thanh toán liên ngân hàng 
Trao đổi với PLVN, ông Richard, Phó Tổng Giám đốc Cty FETC Đài Loan (đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ ETC cho Tasco) nói rằng việc ứng dụng công nghệ trên ở Việt Nam nên theo từng giai đoạn. Đầu tiên là phiên bản ETC 2.0 - hình thức thu phí vẫn tồn tại các barie ở trạm; ở mức này, tốc độ xe qua trạm khoảng 20km/h. 
Tiếp đó là ETC 3.0 không có barie. Và cuối cùng là ETC 4.0 đa làn điện tử (không có barie); với phiên bản này, tốc độ xe qua trạm có thể lên tới hơn 100km/h. Tuy nhiên, với đặc thù giao thông ở Việt Nam, đơn vị tư vấn cho rằng nên bắt đầu từ ETC 2.0, sau đó tiến thẳng lên phiên bản 4.0 đa làn điện tử. 
Phương thức thu phí theo hình thức thủ công truyền thống, trước nay do NĐT tự thực hiện, còn thu phí ETC sắp tới sẽ do một trung tâm điều khiển thực hiện và thông qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Lúc đó, mỗi ngày có bao nhiêu xe qua trạm, thu được bao nhiêu tiền, NĐT, trung tâm điều khiển và ngân hàng đều nắm được. Còn đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan đến thu phí điện tử sẽ được hưởng phần trăm trên tổng số lượt thu. 
Về vấn đề này, ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) nói: “Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC đã đề xuất mức phí mà họ được phép hưởng trên lượt thu phí (8% - PV). Sắp tới, chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể thêm với cơ quan chức năng của Bộ GTVT để chốt con số phần trăm trên tinh thần làm sao để NĐT có thể hoàn vốn dự án”.
Tại một cuộc họp mới đây với các NĐT BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu Ban PPP triển khai ký Phụ lục hợp đồng với tất cả các nhà đầu tư BOT; đồng thời nhấn mạnh nếu nhà đầu tư nào không ký, không thực hiện theo chỉ đạo chung của Bộ GTVT về việc thu phí tự động không dừng ETC thì sẽ xem xét dừng thu phí. 
Vì thế, các NĐT cần nhanh chóng ký Phụ lục hợp đồng và xây dựng trạm thu phí theo thiết kế mẫu đã được Bộ này phê duyệt để chậm nhất đến ngày 30/4/2016 phải xây dựng, lắp đặt xong thiết bị và chính thức thu phí không dừng tại tất cả các trạm trên QL1 và QL14. 
Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình cũng cho biết, đơn vị này sẵn sàng cho triển khai dán thẻ E-Tag qua các Trung tâm đăng kiểm để ứng dụng ETC, dù biết việc này có thể sẽ khiến  khối lượng công việc hàng ngày của các trung tâm đăng kiểm nặng hơn. 
Sẽ ký Phụ lục hợp đồng ứng dụng ETC
“Sau khi Bộ GTVT có chủ trương triển khai hệ thống thu phí tự động trên toàn quốc, Ceco 545 – chủ đầu tư Dự án nâng cấp QL1 (km 947 - km987) đoạn qua Quảng Nam đã triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật  thu phí theo mô hình mẫu về đường và nhà điều hành... mà Bộ đã duyệt. 
Công tác xây dựng, lắp đặt đang gần hoàn thành. Theo chủ trương trên, chúng tôi sẽ ký thêm Phụ lục hợp đồng và chấp thuận đưa vào vận hành hệ thống này đúng lộ trình mà Bộ GTVT yêu cầu.” - ông Thân Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 545.

Đọc thêm