Dự án tuyến đường H2 TP Bắc Ninh: Vì sao nhà đầu tư bị nghi ngờ về năng lực?

(PLO) - Vượt qua hai đối thủ “nặng ký” và được UBND tỉnh Bắc Ninh chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng tuyến đưòng H2 TP Bắc Ninh nhưng tại sao sau khi thanh, kiểm tra, Liên danh nhà đầu tư dự án mà thành viên nòng cốt là Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam lại bị Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bắc Ninh đánh giá lại năng lực? 
DABACO bị nghi ngờ về năng lực khi nhảy sang lĩnh vực xây dựng công trình giao thông?
DABACO bị nghi ngờ về năng lực khi nhảy sang lĩnh vực xây dựng công trình giao thông?

10 năm đeo đuổi dự án giao thông

Theo kết quả kiểm tra công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường H2, TP Bắc Ninh (Dự án đường H2) của Bộ KH&ĐT cho thấy, do việc thực hiện dự án này có sự chuyển tiếp từ quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP sang Nghị định 15/2015/NĐ-CP nên sau khi dự án có điều chỉnh về quy mô (điều chỉnh mặt cắt từ 40m lên 100m) thì báo cáo nghiên cứu khả thi cũng phải được điều chỉnh lại. Và, trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt lại, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng phải tổ chức sơ tuyển rộng rãi quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đối với DA đường H2, không còn được áp dụng hình thức chỉ định thầu.  

Qua kiểm tra của Bộ KH&ĐT, đến thời điểm đóng thầu dự án (ngày 2/1/2018) chỉ có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự tuyển (HSDT) đúng quy định. Báo cáo đánh giá sau đó của Trung tư vấn và xúc tiến đầu tư - Sở KH&ĐT Bắc Ninh xác định, chỉ còn 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam – Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, 2 nhà đầu tư còn lại không đáp ứng đủ điều kiện.

Nếu như Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà HUD2 không đáp ứng về tính hợp lệ, không có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì Công ty Cổ phần Licogi 13 lại không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, không có tài liệu chứng minh khả năng thu xếp vốn vay để thực hiện dự án. Trên cơ sở đánh giá này, 2 nhà đầu tư bị loại và UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định chỉ định Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam – Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn là nhà đầu tư Dự án đường H2. 

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam (DABACO) không phải là “người lạ” ở dự án này. Không phải đến năm 2018 mà DABACO đã tham gia Dự án đường H2 từ năm 2005, khi doanh nghiệp này đề xuất được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt thực hiện Dự án tuyến đường H1, H2 (rộng 40m) theo hình thức hợp đồng BT (dự án xây dựng - chuyển giao). Đầu tháng 12/2010, Dự án tuyến đường H2 được tách riêng ra phê duyệt thực hiện trước với tổng mức đầu tư là 204 tỷ đồng, quy mô tổng chiều dài 1.354m, với mặt cắt ngang 40m. 

Tuy nhiên, do chậm tiến độ nên đến tháng 10/2017, Dự án đường H2 mới được khởi động lại khi điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên 663 tỷ đồng, tổng chiều dài tăng lên 1.390m với mặt cắt ngang điều chỉnh từ 40m lên 100m. Và DABACO đã liên danh với Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn để tiếp tục thành nhà đầu tư thực hiện dự án. Hiện UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lựa chọn xong và ký kết hợp đồng dự án với liên danh nhà đầu tư nói trên, nhưng đang phải tạm dừng chờ Nghị định hướng dẫn thanh toán dự án BT của Chính phủ. 

Được biết, DABACO là một tập đoàn hoạt động đa ngành nghề, trong đó, lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm. Gần đây, DABACO bắt đầu tham gia vào lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và kinh doanh bất động sản, dự án đường giao thông.

Nghi ngờ năng lực…

Ở Dự án đường H2, ở khía cạnh nào đó DABACO là doanh nghiệp có thái độ quyết liệt “gắn bó” với dự án này nhất và nếu không có năng lực thực sự thì tại sao cả 2 lần tham gia dự tuyển đều được UBND tỉnh Bắc Ninh “chọn mặt gửi vàng” làm nhà đầu tư đối với dự án quan trọng này? Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là từ kết quả kiểm tra mới đây, Bộ KH&ĐT lại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá lại năng lực, kinh nghiệm của liên danh thực hiện Dự án đường H2 mà DABACO là nòng cốt. Vậy, năng lực của DABACO hay đơn vị liên danh thực sự có yếu kém gì mà khiến Bộ KH&ĐT phải đề nghị đánh giá lại?  

Theo Bộ KH&ĐT, Luật Đấu thầu quy định, tại thời điểm ký kết, nhà đầu tư được lựa chọn phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính thực hiện dự án. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án thì mới tiến hành ký kết hợp đồng. 

Nhưng qua kiểm tra báo cáo đánh giá của tổ chuyên gia và hồ sơ đề xuất của liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam – Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cho thấy nhà đầu tư này tuy đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển nhưng do hợp đồng tương tự được quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển tương đối thấp nên năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư chỉ được đánh giá  tương ứng với phần xây lắp công trình BT mà chưa tính tới năng lực (đặc biệt là năng lực tài chính), chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng, chi phí tư vấn… và việc thực hiện dự án đối ứng. 

Trong điều kiện năng lực chưa rõ ràng, cũng theo Bộ KH&ĐT, thành viên liên danh này còn đồng thời đề xuất thực hiện 4 dự án theo hình thức BT (trong địa bàn tỉnh Bắc Ninh) nên trong quá trình đánh giá, đàm phán theo Bộ KH&ĐT là UBND tỉnh Bắc Ninh cần phải xác minh, cập nhật năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư này theo đúng quy định. “Trong quá trình đánh giá và đàm phán hợp đồng, nhà đầu tư liên danh, trong đó có thành viên DABACO chưa đề cập đến tiến độ đầu tư từng dự án, do đó có thể dẫn đến chưa đảm bảo năng lực của thành viên DABACO khi thực hiện hợp đồng trong trường hợp thành viên này đồng thời triển khai 4 dự án khác nên việc rà soát, đánh giá lại năng lực, kinh nghiệm của liên danh dựa trên các tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm là cần thiết” - Bộ KH&ĐT nhấn mạnh. 

“Không đủ năng lực phải lựa chọn lại”

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở cập nhật lại thông tin về năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của dự án đầu tư, xây dựng tuyến đường H2 dựa trên tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm theo quy định hiện hành. Trường hợp sau khi đánh giá lại nếu Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam – Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đáp ứng đủ thì mới tiếp tục xem xét các nội dung khác. Còn không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thì UBND tỉnh Bắc Ninh phải tiến hành tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư theo đúng quy định.

Đọc thêm