Dự án tuyến đường ven biển Quảng Bình: Tiêu chí mời thầu khắt khe kiểu “bắt bí”

(PLVN) -  Nhằm tạo ra những động lực mới trong phát triển kinh tế ở khu vực dọc ven biển, Quảng Bình đang tập trung nguồn lực để sớm triển khai dự án tuyến đường ven biển. Đáng tiếc, ít nhà thầu tham gia vì bên mời thầu đưa nhiều tiêu chí “khó”, thậm chí là có dấu hiệu thiếu công bằng.
Lễ khởi công dự án đường ven biển Quảng Bình do Sở GTVT tổ chức hôm 24/1/2022.

Dự án cần kíp, ý nghĩa

Dự án thành phần 1 - tuyến đường ven biển (TĐVB) thuộc dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, triển khai từ 2021, dự kiến hoàn thành 2026. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, thực hiện bằng vốn Trung ương, giao địa phương quyết định.

Tuyến đường gồm 3 đoạn tổng chiều dài 85,4km; đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch) 21,9km; đoạn Nam cầu Lý Hòa (huyện Bố Trạch) - Quang Phú (Đồng Hới) 15,6km; đoạn Hà Trung (huyện Quảng Ninh) - Mạch Nước (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) dài 47,9km; và sẽ nối tuyến đường dự án TĐVB kết nối Hành lang Kinh tế Đông Tây - giai đoạn I đang chuẩn bị xây dựng.

Theo địa phương, đây là dự án trọng điểm nhằm phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển. Tuyến đường đi qua các khu quy hoạch đô thị, hạ tầng, dịch vụ, du lịch các vùng trong tỉnh; tạo động lực thu hút đầu tư, phát huy các tiềm năng, thế mạnh du lịch, dịch vụ biển. Đồng thời, kết nối vùng ven biển Quảng Bình với vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, phát huy thế mạnh cụm cảng nước sâu, các khu công nghiệp Vũng Áng, Hòn La, kết nối hành lang phía Đông các tỉnh Bắc Trung bộ và cả nước.

Dự án sẽ được thực hiện trên cơ sở bám sát quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm việc triển khai tuyến đường sát biển, phục vụ tốt công tác QPAN, phát triển kinh tế biển, đánh giá kỹ các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu với công trình sau khi được triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng.

Dự án được chia thành 4 gói thầu, trong đó, 2 gói đã đấu thầu là Gói thầu XL-4 và Gói thầu XL-6.

Ngày 2/3, Sở GTVT Quảng Bình đã hủy thầu hồ sơ thầu Gói XL-05 (đoạn từ Km0+00-Km27+123 đoạn Hà Trung - Mạch Nước (hơn 391 tỷ đồng).

Trái tinh thần Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Chỉ thị 47/CT-TTg

Theo tài liệu PV có được, thực tế vẫn xảy ra hiện tượng bắt bẻ, gây khó khăn cho nhà thầu này, tạo lợi thế cho nhà thầu khác, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, có dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP trong việc thực hiện đấu thầu.

Không ít nhà thầu lớn đành “thở dài” khi tham gia đấu thầu gói XL-05, bởi những tiêu chí mời thầu khắt khe thuộc loại hiếm thấy.

Ngày 18/11/2021, Sở GTVT Quảng Bình đăng thông tin mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với gói thầu xây lắp số 5 và số 6, tương ứng số tiền hơn 391 tỷ và gần 470 tỷ. Ngày 4/12 mở thầu, chỉ có ba nhà thầu tham gia ở gói thầu số 5 và hai nhà thầu tham gia ở gói thầu số 6. Đặc biệt mới đây nhất, khi mở gói thầu số 4, có tổng số tiền gần 338 tỷ đồng, nhưng chỉ duy nhất một nhà thầu tham gia.

Nguyên nhân ít nhà thầu tham gia được cho là do bên mời thầu đưa nhiều tiêu chí “khó”, thậm chí là có dấu hiệu thiếu công bằng. Trước thắc mắc này của nhiều DN , Sở GTVT Quảng Bình cho rằng: Dự án TĐVB là công trình nhóm A, cần những nhà thầu có năng lực thực sự để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình. Các tiêu chí mời thầu đều đúng với chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT và tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, một nhà thầu cho biết, DN ông tham gia đầu thầu khắp cả nước, đã thi công nhiều công trình nhóm A nhưng chưa thấy nơi nào mời thầu kiểu “bắt bí” như ở Dự án TĐVB Quảng Bình. Ví dụ: yêu cầu nhà thầu phải sở hữu trạm trộn bê tông nhựa, cự ly dưới 60km; nhà thầu phải có số dư trong tài khoản tối thiểu 40% nguồn lực tài chính mà nhà thầu cam kết để thực hiện gói thầu...

Sở này còn yêu cầu nhà thầu cung cấp nhiều tài liệu khác không thuộc yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng: “Quy định nhà thầu phải có mỏ, hoặc hợp đồng nguyên tắc; phải sở hữu trạm trộn bê tông nhựa... đều không cần thiết phải đưa vào tiêu chí mời thầu; vì đây là vật liệu có sẵn trên thị trường, không phải hàng hoá đặc thù. Hay như việc yêu cầu nhà thầu phải có số dư tối thiểu trong tài khoản mới cho tham gia dự thầu là vi phạm bí mật của DN...”.

Việc đưa ra các điều kiện kiểu này trái với tinh thần Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng và mẫu hồ sơ mời thầu của Bộ KH&ĐT...

Một LS thuộc Đoàn LS TP Hà Nội, nói: “Mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì Hội nghị về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, gắn với chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công”. Sáng 1/3, khi họp về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, Thủ tướng nhắc lại: “Nếu đủ vốn mà không hoàn thành là có lỗi với nhân dân, với đất nước”. Tôi cho rằng sự việc diễn ra tại Quảng Bình như nêu trên là trái với các chỉ đạo trên của Thủ tướng.

“Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

(Khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP)

“Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”.

(Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2017)

Đọc thêm