Theo đơn của ông Trần Văn Dũng (ngụ xóm 7A Tây, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) đại diện cho 41 hộ dân trú tại các xã Cồn Thoi, Kim Đông, Kim Mỹ, Kim Tân cho biết: Năm 2019, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý đột xuất, cấp bách kè tả Vạc đoạn từ K22+800 đến kK27+000 thuộc địa phận xã Kim Chính, trồng rừng ngập mặn kết hợp kè và tường chắn sóng đê biển Bình Minh 3, Hội đồng bồi thường (HĐBT), hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện đã tiến hành kê khai, kiểm đếm và lên phương án bồi thường, hỗ trợ cho 41 hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Nhận thấy ý nghĩa và giá trị to lớn của dự án, hầu hết các hộ dân đều ký xác nhận, đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ và tự nguyện bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công triển khai dự án. “Nhưng sau đó, chúng tôi nhiều lần bị thất hẹn không nhận được tiền đền bù, hỗ trợ, dù dự án đã thực hiện xong. Năm 2020, UBND huyện bất ngờ đưa ra phương án đền bù, hỗ trợ mới. Lúc này, tổng số tiền hộ dân được đền bù bị đánh tụt xuống chỉ còn hơn 220 triệu đồng”, đơn cho biết.
Trước sự việc trên, các hộ dân đã cùng nhau đề nghị UBND huyện và tỉnh đề nghị xem xét giải quyết. Thông báo số 211/TB-UBND ngày 22/5/2020 của UBND huyện giải thích: Từ 4/11 - 23/11/2019, HĐBT huyện đã niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB sơ bộ (lần 1). Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra lại, do nhà và công trình xây dựng của các hộ dân trên đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều nên không được hỗ trợ và chỉ tính hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, cây cối hoa màu và “do kinh phí đã được phê duyệt không đủ để thực hiện toàn bộ dự án nên chủ đầu tư phối hợp với HĐBT tổng hợp lại toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ GPMB để có cơ sở trình UBND tỉnh bổ sung thêm kinh phí để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ GPMB cho nhân dân”.
Ngày 27/11/2020, UBND huyện tiếp tục có văn bản do Phó Chủ tịch Nguyễn Cao Sơn ký, trả lời công dân, giải thích thêm: Tài sản của các hộ dân chủ yếu nằm trong diện tích đất do UBND tỉnh đã giao cho Doanh nghiệp xây dựng Thống Nhất tại Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 21/1/2008 để làm bãi vật liệu của trạm trộn, bãi tập kết, vận chuyển vật liệu phục vụ thi công đê biển Bình Minh 2 và nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, nên không đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết hỗ trợ.
Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng những căn cứ huyện đưa ra là không thuyết phục, bởi lẽ đất này họ đã sử dụng từ hàng chục năm nay, bỏ ra nhiều công sức để tôn tạo và đều có hợp đồng với UBND huyện từ những năm 1994 với mục đích nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Hơn nữa việc huyện cho rằng đất nằm trong diện tích đất do tỉnh đã giao cho Cty Thống Nhất nhưng người dân chưa bao giờ được biết đến quyết định này. “Từ khi sử dụng đất, chúng tôi chưa thấy một DN nào đến làm gì trên phần diện đất chúng tôi vẫn đang sử dụng”, một người dân cho hay.
Trao đổi với PV, ông Trần Anh Khiêm, Phó Chủ tịch huyện cho rằng, trước đây huyện có ký hợp đồng với các hộ dân cho sử dụng đất để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. “Do hợp đồng đã hết hạn nên quyền lợi về đất của người dân không còn nữa. Sau khi nhận được đơn của các hộ dân, huyện đã mời các hộ dân lên làm việc và đã có giải thích nhưng đến nay các hộ vẫn chưa đồng thuận”, ông Khiêm cho biết.