Tiếp nỗi lo dịch Covid-19
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường ghi nhận sự giảm mạnh cả về công suất thuê phòng và mức giá phòng trung bình ngày, ước tính doanh thu phòng tại một số khu vực giảm gần 70% so với năm 2019. Mức công suất phòng tại thị trường Việt Nam giảm từ mức 62% đạt được trong năm 2019 xuống chỉ còn 24% vào năm 2020. Hầu hết các khách sạn và khu nghỉ dưỡng có kết quả hoạt động kinh doanh giảm sút, một số ít phải quyết định đóng cửa tạm thời.
Theo Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tháng 1 vừa qua, nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã ghi nhận sự hồi phục của mảng kinh doanh tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE) cũng như đặt phòng từ các nhóm khách theo đoàn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại một lần nữa ảnh hưởng đến ngành du lịch nói chung và ngành dịch vụ khách sạn nói riêng.
Theo ước tính của một đơn vị vận tải hàng không, số lượng khách vận chuyển đã sụt giảm 15% so với tuần trước đó ngay khi những ca bệnh đầu tiên được công bố. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng ước tính số lượng khách phục vụ trung bình trong một ngày trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo dữ liệu từ OTA Insight, nhu cầu tìm kiếm chuyến bay đến Đà Nẵng và TP HCM trong dịp Tết đã giảm lần lượt 35% và 34% so với tuần trước đó kể từ khi thông tin dịch bệnh được công bố. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn khi giai đoạn đầu năm vốn là mùa cao điểm từ nhu cầu tổ chức sự kiện và hội nghị.
Nỗ lực duy trì
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020 ngành du lịch Việt Nam vẫn kế thừa và trên đà tăng trưởng cao của giai đoạn 2016-2019. Trong tháng 1, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2 triệu lượt, mức so sánh cùng kỳ cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát ngay sau đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch trong cả nước.
Từ cuối tháng 3, hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam đã ngưng trệ, du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề ra đều giảm mạnh (khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa ước đạt 5,6 triệu lượt, giảm 34% và tổng thu từ khách du lịch ước đạt 321.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019).
Mặc dù vậy, năm 2020, Việt Nam vẫn tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á và thế giới (điểm đến di sản hàng đầu, điểm đến văn hóa hàng đầu, điểm đến ẩm thực hàng đầu, điểm đến golf tốt nhất châu Á; lần thứ 2 liên tiếp được tôn vinh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới).
Trao đổi với báo chí, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương dự báo thị trường năm 2021 sẽ diễn ra tương tự như năm 2020, ít nhất là cho đến khi các hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục. Trải qua một năm khó khăn, hầu hết khách sạn đã thích nghi với trạng thái bình thường mới. Với doanh thu ở mức tối thiểu, họ phải tập trung cân đối các khoản chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động.
Một số điểm đến như Phú Quốc hoặc Vũng Tàu lại có kết quả hoạt động khá tích cực, đặc biệt trong tháng 12/2020 và tháng 1 vừa qua khi nhu cầu du lịch từ nguồn khách địa phương và doanh nghiệp gia tăng đáng kể.
Các khách sạn ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... ghi nhận sự gia tăng nhu cầu từ mảng MICE và chú trọng hơn vào dịch vụ ăn uống, tạo điểm nhấn cho tệp khách hàng mới thay vì chỉ tập trung phục vụ nhóm khách lưu trú như trước.
Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương phân tích, hiện tại, thị trường nghỉ dưỡng vẫn chủ yếu dựa vào nguồn cầu nội địa. Vì thế, để có thể hỗ trợ quá trình phục hồi, các chương trình kích cầu du lịch, thúc đẩy du khách nội địa là khá quan trọng trong thời gian tới. Nhiều khách sạn đã đưa ra các chương trình kích cầu du lịch mới. Ông Mauro Gasparotti cũng cho rằng, các khách sạn có thể cân nhắc đẩy mạnh mảng dịch vụ ăn uống như là một điểm nhấn để thu hút và khai thác các phân khúc khách hàng mới thông qua các hoạt động tiếp thị, khuyến mãi. Trong đó, có việc đưa ra các trải nghiệm ẩm thực quốc tế tại nhà hàng tự chọn cho các gia đình với trẻ nhỏ, thúc đẩy quảng bá văn hóa trà chiều với đối tượng khách hàng trẻ.
Với mảng MICE, tuy được kỳ vọng sẽ giúp nhiều nơi cải thiện doanh thu nhưng hoạt động MICE trong bối cảnh hiện tại phụ thuộc khá nhiều vào tình hình dịch bệnh, chỉ cần một trường hợp lây bệnh trong cộng đồng là đã có thể khiến các sự kiện phải tạm ngưng hoặc hoãn lại.
Về triển vọng phục hồi, do Việt Nam có vị trí khá thuận lợi là gần các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore nên sẽ có cơ hội đón khách sớm. Khi các chuyến bay thương mại quốc tế được khôi phục, du khách sẽ có xu hướng thực hiện các chuyến đi gần.
Ông Mauro Gasparotti cũng cho biết, khi dịch bệnh mới bùng phát, phần lớn các chủ sở hữu khách sạn kỳ vọng tình hình ảm đạm chỉ kéo dài trong vài tháng, kỳ vọng thị trường có thể dần khôi phục vào thời điểm cuối năm 2020 nhưng thực tế cho thấy, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2021.
Do vậy, một số chủ sở hữu đang cân nhắc việc thoái vốn khỏi tài sản đang nắm giữ. Một số ngân hàng cũng muốn tìm giải pháp cho các tài sản thế chấp. Vài tháng gần đây, Savills Hotels nhận được một số yêu cầu từ các chủ sở hữu khách sạn về việc tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc đơn vị hỗ trợ về mặt tài chính.
Các thương vụ thực hiện bởi Savills Hotels chủ yếu là các khách sạn 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế và chúng tôi vẫn chưa ghi nhận nhiều thương vụ chuyển nhượng với mức giá “bán tháo” ở phân khúc này tại thị trường Việt Nam. Ở phân khúc 3-4 sao, số lượng rao bán cũng tăng đáng kể.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tuy số lượng rao bán tăng nhưng phần lớn chủ sở hữu vẫn có xu hướng giữ nguyên mức giá của năm 2019, chỉ có thay đổi lớn là đã cởi mở hơn trong việc trao đổi cơ hội chuyển nhượng tài sản, điều mà trước đây không dễ dàng tiếp cận.