Phiên tòa được mở theo kháng cáo của Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú.
Theo đơn kháng cáo của Công ty Tuần Châu, Công ty này kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của họ đối với Công ty DS; đề nghị cấp phúc thẩm không không chấp nhận phần tòa án cấp sơ thẩm tuyên kịch bản Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của kịch bản Ngày xưa và phần tuyên Tuần Châu phải thanh toán tiền cho Công ty DS theo yêu cầu phản tố.
Phía Công ty DS có kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm buộc Tuần Châu phải thực hiện một số điều kiện thì công ty này mới chuyển quyền sở hữu vở diễn thực cảnh Ngày xưa cho Tuần Châu.
Liên quan đến vụ kiện trên, sau phiên tòa sơ thẩm, đạo diễn Hoàng Nhật Nam - tổng đạo diễn, tác giả của kịch bản Tinh hoa Bắc Bộ cũng viết “tâm thư” gửi đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Trong thư, ông Nam viết bản thân bất ngờ vì Tòa tuyên tác phẩm của ông là tác phẩm phái sinh từ một tác phẩm khác khi ông là tác giả, nhưng không được có mặt tại phiên tòa. Ông Nam quá uất ức, vì quyền tác giả của ông bị xâm phạm khi phán quyết của tòa về tác phẩm của mình mà mình không có mặt.
“Tôi nghĩ rằng, ở góc độ công dân và một nghệ sỹ mà lại không được pháp luật bảo vệ", ông Nam bức xúc nói và cho rằng mình là người liên quan trực tiếp nhưng lại không được mời tham dự với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không được lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình. Vị đạo diễn này rất mong được có mặt tại phiên phúc thẩm sắp tới. Hiện tại, ông Nam chưa nhận được giấy triệu tập của tòa án.
Trước đó, sau nhiều ngày xét xử, nghị án, ngày 20/3, Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên chấp nhận một phần khởi kiện của Tuần Châu, yêu cầu Công ty DS chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm Ngày xưa cho Tuần Châu./.