Bài học thành công từ Ninh Bình
Đại lễ Vesak không chỉ là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và phát triển tiềm năng du lịch tâm linh nước nhà.
Nhìn lại, Đại lễ Vesak năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình có sự tham gia của hàng nghìn đại biểu quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã đem đến cho tỉnh Ninh Bình một “cú hích” tăng trưởng du lịch tâm linh hiếm có. Trong giai đoạn từ 2014 – 2018, lượng du khách đến Ninh Bình tăng trưởng bình quân 14%/năm. Năm 2019, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng.
Để có được kết quả trên, ngành du lịch Ninh Bình đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, đổi mới các tuyến du lịch, loại hình du lịch đa dạng…, tạo nên diện mạo mới.
Ví như, xây dựng các tuyến du lịch mới như tuyến tham quan số 3 ở Khu du lịch sinh thái Tràng An; phát triển thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn mới như xây dựng Khu văn hóa nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Giao (thành phố Tam Điệp), du lịch biển Cồn Nổi (huyện Kim Sơn), khu ngâm khoáng nóng trị liệu (huyện Nho Quan)…
Trả lời báo chí, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh khẳng định: “Đại lễ Vesak 2014 đã góp phần quảng bá sâu rộng những tiềm năng, thế mạnh, nét đặc sắc về du lịch, văn hóa, các sản phẩm du lịch độc đáo của Ninh Bình ra thế giới. Đây là cơ hội tốt để thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế đến Ninh Bình, đồng thời tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển”.
Liệu Hà Nam có tận dụng được “cú hích” để tăng trưởng?
So với Đại lễ Vesak 2014, Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019 đã nhận được sự quan tâm lớn, với số người tham gia vượt trội hơn hẳn: khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục nghìn tăng, ni, phật tử.
Sau khi Đại lễ Vesak 2019 bế mạc, chủ nhà Việt Nam được hầu hết đại biểu, tổ chức Phật giáo quốc tế, cùng chư tôn đức tăng ni, phật tử trong nước đánh giá cao sự chu đáo, tận tình. Phát biểu lễ bế mạc, Hòa thượng Brahmapundit bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp cho các đại biểu dự Đại lễ có những ký ức, trải nghiệm tuyệt vời.
Có thể thấy, thành công của Đại lễ Vesak mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch tâm linh. Đại lễ tạo điều kiện quảng bá sâu rộng tiềm năng, thế mạnh, nét đặc sắc về du lịch, sản phẩm du lịch tới bạn bè thế giới. Tỉnh Hà Nam là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, có khá nhiều điểm du lịch văn hóa, di tích lịch sử như: Đền Trần Thương, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn; các làng nghề truyền thống về gốm Quế, trống Đọi, cá kho Vũ Đại,…
Theo đó, quần thể chùa Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao, tỉnh Hà Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh; còn chùa Tam Chúc mới hiện nay được xây dựng với các hạng mục điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan âm, cổng Tam Quan.
Chùa nằm ở phía Tây và nhìn ra hồ Tam Chúc. Được biết, để hoàn thành dự án này, nhà đầu tư dự kiến phải mất thêm vài chục năm nữa. Khi đó, chùa Tam Chúc sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới với diện tích quần thể lên tới 5.000 ha.
Điểm nhấn trong Đại lễ Vesak là Ban Tổ chức không thu vé tham quan và bố trí phân khu riêng biệt rộng hơn 4.000m2 dành cho việc nấu, chế biến các món chay; khu nhà ăn tiệc buffet rộng 3.200m2 trong suốt ba ngày.
Thực phẩm rau, củ, quả, gạo và các thức ăn đều từ nguồn thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam đã xây dựng xong tuyến du lịch tâm linh Tam Chúc, với các hoạt động đậm sắc tín ngưỡng người Việt xưa và nay như thờ cúng, tri ân báo hiếu, thiền, yoga,… để giới thiệu tới du khách bốn phương.
Từ hai bài học thành công trên đã cho thấy tư duy đổi mới của nhà quản lý khi xây dựng và phát triển hình thức du lịch tâm linh. Ví như, việc chuẩn bị tốt về hạ tầng, cơ sở du lịch, kết nối đồng bộ các điểm du lịch tâm linh, đảm bảo thống nhất quy hoạch từ cấp trung ương tới địa phương là yếu tố then chốt đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, ngành du lịch của địa phương phải luôn luôn sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ đặc trưng vùng miền, song song với việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực có trách nhiệm, chuyên môn cao nhằm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách trong và ngoài nước.