Du lịch tự phát - cơ quan chức năng trở tay không kịp

(PLO) - Hoạt động du lịch tự phát xuất phát từ những ý tưởng, phát hiện của người dân, một mặt được xem là bước khởi đầu cho những sản phẩm du lịch mới, nhưng trong nhiều năm gần đây, du lịch tự phát đã bị biến tướng, với những nguy cơ, nguy hiểm liên quan tới con người, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Du khách bất chấp nguy hiểm để chụp hình
Du khách bất chấp nguy hiểm để chụp hình

Diễn biến phức tạp 

Từ cuối năm 2017 tới nay, một hồ đá bỏ hoang thuộc thôn Suối Cạn, xã Lát huyện Lạc Dương (cách TP Đà Lạt khoảng 45km) bỗng chốc trở thành cơn sốt du lịch. Cư dân mạng truyền nhau cái tên là “Tuyệt tình cốc”, với những lời quảng cáo “có cánh” như “mạch nước ngầm tạo nên những dòng nước xanh biếc”, “cảm giác như trong phim kiếm hiệp Kim Dung”… đã nhanh chóng thu hút sự hiếu kỳ trên mạng xã hội và đông đảo các bạn trẻ.

Song, trên thực tế, hồ nước này vốn là một mỏ khai thác đá hoa cương, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn chết người bởi địa hình lởm chởm núi đá và khá sâu. Con đường đất vào hồ khoảng 7km nhiều bùn lầy, xe máy rất khó lưu thông. Chính quyền địa phương đã đặt các biển cảnh báo nguy hiểm nhưng du khách vẫn bất chấp đến để thăm và chụp ảnh (đợt cao điểm có thể tới 400 – 500 lượt khách/ngày).

Còn người dân ở đây cũng bất chấp để thực hiện các dịch vụ kiếm lời như: bán nước, đồ ăn; dịch vụ xe chuyên chở khách tham quan qua con đường đất; dịch vụ cho thuê bè gỗ trên mặt nước… như một điểm du lịch thông thường. Song, các dịch vụ trên đều tự phát, không hề có biện pháp bảo hộ an ninh, an toàn cho người tham quan. 

Tháng 8/2018, UBND huyện Lạc Dương đã quyết định đóng cửa khu du lịch tự phát “Tuyệt tình cốc” sau những diễn biến khó kiểm soát ở khu vực này.

Cách hồ đá khoảng 10km (cũng thuộc địa phận xã Lát), một số người dân cũng đã làm xuồng tự chế, có gắn động cơ để chở du khách tham quan, chụp hình ở hồ Suối Vàng. Theo phản ánh của báo chí, chiếc thuyền dài khoảng 5m, rộng khoảng 1,5m đón khách từ bãi Tiên Sa và một số bến đò tự phát hai bên bờ hồ, quãng đường khoảng 1km.

Du khách và tài công thường được bắt gặp không mặc áo phao. Thời điểm đông du khách, có người còn sử dụng loại thuyền lớn để vận chuyển “chui” khách tham quan. Đáng lo ngại, loại hình chở khách nêu trên không tuân thủ điều kiện tiêu chuẩn cụ thể nào về phương tiện thủy trong vận tải khách du lịch (quy định trong Luật Du lịch 2017 và Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch). Thời điểm mưa gió mạnh, càng khó có thể lường trước mức độ nguy hiểm của dịch vụ vận chuyển tự phát trên. 

Ở tỉnh Khách Hòa, những điểm tham quan du lịch tự phát khác cùng từng rầm rộ trên mạng xuất phát từ sự phát hiện của dân phượt là “cơn sốt” đảo Bình Ba (TP Cam Ranh), đảo Bình Hưng (còn gọi là Hòn Chút, nằm trong vịnh Cam Ranh), biển Bãi Dài (huyện Cam Lâm), danh thắng Mũi Đôi – Hòn Đầu (huyện Vạn Ninh).

Với lời khen ngợi, ca tụng là “điểm đến phải đi một lần trong đời”… nên du khách đến đây ngày càng nhiều và tự ý thuê ghe, tàu ra các đảo nhỏ; người dân thấy vậy cũng tự cung cấp dịch vụ, mà không hề quan tâm đến quy định của Nhà nước. 

Theo Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg về quy chế bảo đảm an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh thì khu vực Mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch. Vì vậy, những hành vi du lịch tự phát như trên đã vô tình vi phạm pháp luật. 

Quản chặt các dịch vụ để tạo thuận lợi cho du khách

Do tính biến động cao và phức tạp của hoạt động du lịch tự phát từ du khách cũng như người dân nên không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn, mà chính quyền các địa phương cũng tỏ ra bối rối. Trong thời gian ngắn, hoạt động du lịch tự phát có phát triển rầm rộ ở nhiều địa điểm. Song, những thời điểm ít du khách, những hoạt động này càng không dễ theo dõi, kiểm soát. Du khách đến bất chợt, người dân tự ý cung ứng dịch vụ. Thậm chí, dù đã có biển cảnh báo, khách tham quan, đặc biệt là khách tham quan nước ngoài, vẫn bất chấp sự nguy hiểm. 

Trên thực tế, tại những tụ điểm tự phát, bên cạnh môi trường du lịch chưa được kiểm định chất lượng thì cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ du lịch còn sơ khai, yếu kém như thiếu trung tâm thông tin, nhà vệ sinh, biển chỉ dẫn. Ngoài ra, phần lớn cộng đồng tổ chức du lịch tự phát đều thuộc dân địa phương, hoạt động theo thời vụ, theo lượng khách, nên có hạn chế về kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ giao tiếp, không thể cung cấp đầy đủ những thông tin chính xác cũng như yếu tố rủi ro liên quan đến trải nghiệm. 

Đặc biệt, để đảm bảo được an toàn dành cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các mô hình du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển. Trong khi đó, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch thì đang được xây dựng để đáp ứng với những diễn biến phức tạp của hoạt động du lịch.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, với quan điểm xuyên suốt của Luật Du lịch 2017 là “lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch” nên phải thắt chặt việc quản lý khu, điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh các dịch vụ du lịch để bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tham quan, du lịch.

Đọc thêm