Dư luận trái chiều “quy kết” công ty Thuận Phong sản xuất, kinh doanh hàng giả

(PLO) - Liên quan đến vụ việc của Công ty Thuận Phong, mặc dù phía doanh nghiệp chưa nhận được phản hồi từ phía các cơ quan chức năng nhưng gần đây đã có nhiều luồng dư luận, thông tin một phía gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Tem nhãn mà Công ty Thuận Phong dùng để dán lên chai phân bón
Tem nhãn mà Công ty Thuận Phong dùng để dán lên chai phân bón
Không có chứng cứ pháp lý cho việc Thuận Phong sản xuất, kinh doanh hàng giả
Ngày 30/9/2015, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã ký Công văn số 3645/BKHCN-TĐC gửi Văn phòng Chính phủ cho biết ý kiến, quan điểm của Bộ về việc xử lý vi phạm tại Công ty Thuận Phong nội dung như sau: “Hợp đồng phân phối độc quyền BIO HUMA NETICS - Thuận Phong, do Công ty Thuận Phong cung cấp không có chữ ký của hai bên, do đó theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hợp đồng này không có giá trị pháp lý tại Việt Nam” và “Công ty Thuận Phong đóng chai nhãn chính bằng tiếng Anh là nhãn gốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ, dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì, hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa”.
Quá trình theo dõi sự việc và tìm hiểu các vấn đề pháp lý có liên quan, chúng tôi nhận thấy ý kiến trên của Bộ Khoa học và Công nghệ là chưa chính xác, không đúng bản chất sự việc. Bởi lẽ: 
Thứ nhất, bản gốc hợp đồng phân phối độc quyền của Công ty BIO HUMA NETICS và Thuận Phong (bằng tiếng nước ngoài) ký vào ngày 1/10/2013 do đại diện Công ty Thuận Phong là ông Khiếu Mạnh Tường và ông Lyndon W. Smith - Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty BIO HUMA NETICS đứng ra ký kết, ký trực tiếp từng trang và đóng dấu.
Được biết, hiện tại bản hợp đồng này đang được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai (PC46) giữ và sao y bản chính vào ngày 6/5/2015. Đồng thời cũng được sao y gửi đến nhiều Bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan. Do đó, việc Bộ KH&CN cho rằng hợp đồng này không có chữ ký của hai bên là chưa phản ánh đúng với thực tế.
Thứ hai, ý kiến của Bộ KH&CN cho rằng “Công ty Thuận Phong đóng chai nhãn chính bằng tiếng Anh là nhãn gốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ, dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì, hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa”. Cơ sở pháp lý được Bộ KH&CN viện dẫn trong văn bản là: “Tại điểm d khoản 3 mục n Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định: Hàng hóa do hai hay nhiều tổ chức, cá nhân cùng sản xuất thì ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các công đoạn để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông như lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ, nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hoá trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức này cho phép".
Liên hệ thực tiễn trường hợp của Thuận Phong đối với Thông tư và Nghị định trên, có 3 vấn đề cần được nhắc đến: Thứ nhất, “Bao bì hàng hóa” do Thuận Phong thực hiện tại Việt Nam, thứ hai “Nơi sản xuất” phân bón nước tại Mỹ (Công ty Bio Huma Netics) và thứ ba là “Nơi đóng gói” do Công ty Thuận Phong thực hiện tại Việt Nam (theo sự cho phép bằng văn bản của BHN).
Như vậy, nếu kết hợp 3 yếu tố thực tiễn của Thuận Phong và bản chất pháp lý tại Thông tư 09/2007/TT-BKHCN để xem xét chi tiết 03 nội dung kết luận của Bộ KH&CN chúng tôi nhận thấy những yếu tố như hành vi giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác: Bao bì hàng hóa do Thuận Phong thực hiện tại Việt Nam theo sự chấp thuận của BIO HUMA NETICS, như vậy nội dung này không có đối tượng hoặc thương nhân thứ 3 nào bị giả mạo. Thứ hai, hành vi giả mạo nơi sản xuất: trên nhãn chính và nhãn phụ thể hiện nơi sản xuất phân bón tại Mỹ (Công ty Bio Huma Netics) là đúng bản chất. Và cuối cùng, hành vi giả mạo nơi đóng gói: khi Công ty Thuận Phong tự đóng gói mà trong nhãn phụ lại ghi đóng gói tại Mỹ hoặc tại một nước thứ 3 nào khác thì sẽ là giả mạo nơi đóng gói.
Hợp đồng có đầy đủ chữ ký, dấu mộc giữa hai công ty BHN và Thuận Phong
Hợp đồng có đầy đủ chữ ký, dấu mộc giữa hai công ty BHN và Thuận Phong 
Bên cạnh đó, nếu xem xét nhãn phụ của Thuận Phong sẽ thấy nó đã không thể hiện nội dung này, nên không thể là giả mạo mà là thiếu thông tin theo hướng dẫn tại điểm d khoản 3 mục II Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN. Việc ghi nhãn hàng hóa của Thuận Phong không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa, không giả mạo tên và địa chỉ thương nhân khác (theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 185/2013 của Chính phủ về tem, nhãn, bao bì giả) nên việc thiếu thông tin đóng gói tại Việt Nam trên nhãn phụ hàng nhập khẩu của Công ty Thuận Phong đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đừng đẩy DN vào đường cùng?
Thiết nghĩ, trong quá trình hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp như Thuận Phong nói riêng và các doanh nghiệp khác tại Việt Nam nói chung sẽ khó tránh khỏi những sai sót nhất định về mặt hành chính. Tuy nhiên, về trường hợp của Thuận Phong, doanh nghiệp này đã rất nghiêm túc thừa nhận và khẳng định sẽ khắc phục ngay những vi phạm theo quy định của pháp luật, nhằm mang lại lợi ích tối ưu cho người tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển chung toàn xã hội. Biết sai, dám đối diện với cái sai của mình để khắc phục là một việc làm rất đáng cân nhắc.
Hiện tại, các hồ sơ, tài liệu và các nội dung có liên quan đã được Thuận Phong làm việc và cung cấp đủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng địa phương tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên hiện tại, một số tờ báo vẫn tiếp tục đăng tin sai sự thật, tạo áp lực dư luận cho các cơ quan chức năng Đồng Nai trong quá trình giải quyết vụ việc. Và nguồn tin mà các cơ quan báo đài này có được lại từ một phía của Văn phòng thường trực 389/QG Quốc gia...
Khi sự việc vẫn chưa kết thúc, phía các cơ quan chức năng chưa đưa ra bất cứ kết luận nào cũng như đều không có chứng cứ, cơ sở nào thể hiện vụ việc Thuận Phong có dấu hiệu hình sự. Thế nhưng, phía Văn phòng thường trực 389/QG lại luôn nêu ý kiến chủ quan của mình để bảo vệ quan điểm và cung cấp thông tin quá sớm khẳng định vụ việc Thuận Phong sản xuất phân bón giả cho cơ quan báo chí. Đồng thời cũng tác động gửi công văn chỉ đạo Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý phân bón giả hiệu Bio Huma Netics của Thuận Phong khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
Những việc làm trên của Văn phòng thường trực 389/QG đã làm cho quá trình điều tra, xử lý vụ việc của Thuận Phong trở nên vô cùng phức tạp, kéo dài, chẳng khác nào đẩy Thuận Phong vào tình thế bị “bức tử”, không lối thoát.

Đọc thêm