Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần giữ phương pháp thặng dư trong định giá đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là kiến nghị của chuyên gia tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Hội thảo, góp ý về phương pháp định giá đất, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH cho rằng, nên có quy định các nội dung về nguyên tắc chính, quan trọng, các cách tiếp cận/phương pháp tính giá đất trong Luật, còn những nội dung cần “cụ thể hóa”, chi tiết hóa có thể giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Theo đó, cần chuẩn hóa nội hàm, phạm vi, khả năng áp dụng của các phương pháp định giá đất theo đúng bản chất khoa học, khả thi và phù hợp hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như bối cảnh của Việt Nam.

Theo ông Cấn Văn Lực, nên bỏ quy định cố định việc áp dụng phương pháp định giá đất cho từng trường hợp cụ thể/nhóm đất cụ thể; đồng thời nên có phương pháp thặng dư vì đây là phương pháp khá ưu việt đối với định giá đất gắn với mục đích sử dụng và giá trị tạo ra trong tương lai; tăng chế tài đối với trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng...

TS Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị cân nhắc quy định điều kiện áp dụng phương pháp thặng dư như quy định hiện hành, tức là “Phương pháp thặng dư được áp dụng để định giá đối với thửa đất có tiềm năng phát triển do thay đổi quy hoạch hoặc chuyển mục đích sử dụng đất khi xác định được tổng doanh thu phát triển giả định và tổng chi phí ước tính”.

Ông Tuấn cũng đề nghị cân nhắc sửa quy định “cứng” chỉ được sử dụng cơ sở dữ liệu về đất đai hoặc giá trên hợp đồng, giá trúng đấu giá sẽ giảm khả năng linh hoạt của các phương pháp định giá đất cụ thể và bảo đảm nguyên tắc thị trường. Cụ thể, ông kiến nghị, đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai hoặc người thực hiện định giá đất (định giá viên, thành viên hội đồng định giá đất) nhận thấy giá trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai chưa bảo đảm nguyên tắc thị trường thì được quyền thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát.

Về quy định Quỹ phát triển đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần xác định rõ nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất là sử dụng vốn ngân sách nhà nước hay ngoài ngân sách nhà nước (hiện chưa thống nhất tại điểm 1 và 2 Điều 113) và cơ quan trực tiếp quản lý là UBND tỉnh hay tổ chức phát triển quỹ đất?

Ông Lực cũng đề nghị, xem xét tỷ lệ phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất để bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương nói chung. Bởi vì, tỷ lệ 10% có thể phù hợp các địa phương có tỷ lệ thu từ đất đai cao, song chưa phù hợp với các địa phương có tỷ lệ thu từ đất thấp, chưa bảo đảm cân đối ngân sách, tỷ lệ trích 10% có thể ảnh hưởng đến nguồn chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tại Điều 113 Dự thảo Luật quy định về thẩm quyền thành lập Quỹ phát triển đất; nguồn vốn hình thành của loại quỹ này. Tuy nhiên, Điều 113 chưa quy định cụ thể cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quản lý và sử dụng Quỹ phát triển đất, tổ chức phát triển quỹ đất hay là cơ quan nhà nước nào? Theo ông Tuyến, đây là nội dung quan trọng cần được quy định cụ thể; Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 113 về thẩm quyền của cơ quan quản lý và sử dụng Quỹ phát triển đất...

Đọc thêm