Dự thảo nội quy phiên tòa: Đòi xuất trình thứ không hề có

(PLO) - Theo Dự thảo Thông tư nội quy phiên tòa, muốn được tham dự phiên tòa, ngoài điều kiện được sự đồng ý của Chánh án Tòa án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, các nhà báo còn phải xuất trình Thẻ nhà báo, Thẻ phóng viên. Quy định này đã chứng tỏ Tòa án chưa hiểu rõ về Luật Báo chí, bởi theo quy định hiện hành, không có Thẻ phóng viên.
Các nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng
Trước hết phải khẳng định, trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo phải chấp hành pháp luật, các quy tắc nghề nghiệp, quy chuẩn về đạo đức của người làm báo. Nhưng ngược lại, các cơ quan chức năng cũng phải tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp.
Ngay tại Điều 2 Luật Báo chí có nêu:  “... Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động…”. 
Cả nước chỉ có một loại thẻ nhà báo
Theo quy định, hiện chỉ có Thẻ nhà báo là thẻ hành nghề duy nhất, không có Thẻ phóng viên. Việc Toà yêu cầu có Thẻ phóng viên mới được quyền dự phiên tòa để đưa tin đã khiến người dân băn khoăn về sự am hiểu pháp luật của quan toà.
Để được cấp Thẻ nhà báo, các phóng viên phải có thời gian công tác liên tục tại một cơ quan báo chí trong vòng ba năm trở lên và không bị vi phạm kỷ luật. Theo đề xuất tại Dự thảo, tất cả phóng viên, nhà báo nếu chưa có Thẻ sẽ bị cấm cửa trước các phiên toà. 
Đây là một số lượng không nhỏ phóng viên mới vào nghề và việc trẻ tuổi nghề hoàn toàn không phải là lý do để bị tước quyền tham dự phiên toà.
Điều nào hoàn toàn trái với nguyên tắc xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự mà không phải xuất trình một giấy tờ gì. Với quy định này có thể hiểu: Nhà báo -  “công dân đặc biệt” -  đang bị hạn chế quyền tham dự phiên toà. Một quy định rất nguy hiểm cho công tác cải cách tư pháp hiện nay. 
Đồng ý bằng cách nào?
Một vấn đề khác cũng đang khiến dư luận băn khoăn, đó là TANDTC yêu cầu các nhà báo, phóng viên phải “được sự đồng ý” của Chánh án hoặc thẩm phán, nhưng lại không nói rõ hình thức của sự “đồng ý” này là gì? Bằng miệng hay bằng chữ ký xác nhận trên Giấy giới thiệu của nhà báo, phóng viên; hay đơn thuần chỉ là cuộc điện thoại đến Chủ tọa của phiên tòa mà nhà báo muốn tham dự? 
Ví dụ, trường hợp Chánh án chỉ đồng ý bằng miệng nhưng sau đó khi đến dự phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa lại đòi xuất trình bằng chứng của sự đồng ý này thì chắc các nhà báo, phóng viên chỉ còn nước… đi về.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để giữ vững trật tự phiên tòa cũng như đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của báo chí, những nội dung nêu tại Khoản 5 Điều 2 của Dự thảo chỉ dành cho những phiên tòa hạn chế người tham dự (các phiên tòa xét xử vụ án mà ảnh hưởng đến bí mật đời tư hoặc bí mật quốc gia...). 
Nội quy phiên tòa không nên đòi hỏi các nhà báo, phóng viên quá nhiều điều kiện, thay vào đó chỉ cần họ trình Thẻ nhà báo (nếu chưa có Thẻ nhà báo thì trình Giấy giới thiệu) cho Thư ký phiên tòa trước khi Tòa xét xử chừng 10-15 phút là được. 
* Cớ gì lại buộc nhà báo, phóng viên phải xin phép?
Việc TANDTC yêu cầu các nhà báo muốn được dự phiên tòa để đưa tin  ngoài sự đồng ý của Chánh án hoặc chủ tọa phiên tòa và phải có Thẻ nhà báo là không phù hợp quy định của Luật Báo chí và Nghị định 51/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. 
Điều 8 Nghị định 51 quy định nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức… thu thập thông tin, làm nghiệp vụ báo chí, và: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Không những vậy, Khoản 3 Điều 8 Nghị định này còn nêu rõ: nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai… theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nhà báo có quyền tác nghiệp khi xuất trình Thẻ nhà báo để chứng minh tư cách của mình chứ không phải để xin phép và chờ được cấp phép. Suy rộng ra, quy định tại Dự thảo vừa không phù hợp pháp luật, vừa bất khả thi. 
Luật sư Nguyễn Hữu Cường - Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn

Đọc thêm