Đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngày 29/11, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đã diễn ra bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội - Huế - TP.HCM.
Đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hội thảo có sự tham gia của khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ. Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo khẳng định đây là hội thảo hết sức ý nghĩa, thực hiện quan điểm chỉ đạo cốt lõi, xuyên suốt của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa hội thảo cần tập trung vào các nội dung lớn như: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; Các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới...

Hội thảo được chia thành hai phiên thảo luận: Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới và Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong hai phiên thảo luận, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa sẽ trao đổi, nghiên cứu, hướng đến xác định hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hệ giá trị văn hoá có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hoá mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam - ảnh minh họa

Hệ giá trị văn hoá có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hoá mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam - ảnh minh họa

Bàn về vấn đề hệ giá trị văn hóa, trong bài tham luận “Một số nhận thức về hệ giá trị văn hoá” tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá đưa ra nhận định hệ giá trị văn hoá có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hoá mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hoá ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thù, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh... Do đó cần thiết nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hoá hiện nay.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có 8 giải pháp để giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Đó là: Xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; Nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sỹ; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị; Phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp; Phát huy vai trò,sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng giá trị.