Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: Triển khai đồng bộ các giải pháp phát huy nhân tố con người

(PLVN) - Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định phát huy nhân tố con người là vấn đề cốt lõi, quan trọng nhằm phát triển bền vững đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Để phát huy tốt nhân tố con người trong thời kỳ hiện nay cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
 Phát huy nhân tố con người là vấn đề cốt lõi, nhất quán và xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phát huy nhân tố con người là vấn đề cốt lõi, nhất quán và xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đảm bảo hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi

Theo TS Đinh Văn Thụy – Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, phát huy nhân tố con người là vấn đề cốt lõi, nhất quán và xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều này thể hiện tập trung trong nội dung của Quan điểm chỉ đạo, Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và Đột phá chiến lược.

Để phát huy nhân tố con người ở nước ta trong thời kỳ hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, TS Đinh Văn Thụy cho rằng, trước hết, phải tạo dựng các loại môi trường thuận lợi. Trong đó, đầu tiên là phải đảm bảo môi trường sống tự nhiên trong lành, bền vững nhằm phát huy nhân tố con người. Thứ hai, cần đảm bảo môi trường xã hội an ninh, an toàn nhằm phát huy nhân tố con người. “Môi trường sống của con người không chỉ có môi trường tự nhiên mà còn môi trường xã hội. Phải xây dựng được môi trường xã hội an ninh, an toàn, nhân văn, nhân bản cho người dân sinh sống, từ đó người dân có thể phát huy hết được năng lực, sở trường của mình”, TS Thụy nhận định.

Ba là, kiến tạo môi trường kinh tế lành mạnh, có lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. “Phải hình thành đồng bộ các loại thị trường theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tính tích cực, chủ động của người dân trong khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo ra thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, đem lại lợi ích cho dân cho nước”, ông Thụy nhấn mạnh. Bốn là, cần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, ổn định, an ninh, an toàn để người dân yên tâm sinh sống và phát huy hết năng lực và tâm huyết của mình.

Năm là, xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục lành mạnh, tiến bộ, giàu tính nhân văn nhằm phát huy nhân tố con người. Sáu là, hoàn thiện và hiện đại hóa môi trường thông tin, nền tảng kỹ thuật số để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác sử dụng, hưởng thụ thành quả của cách mạng thông tin.

Cùng với đó, cần xây dựng đồng bộ các cơ chế để giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh và khả năng sáng tạo của quần chúng nhân dân, cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên. TS Đinh Văn Thụy cho rằng, muốn phát huy hết tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của con người, phải hoàn thiện đồng bộ các cơ chế trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp và cả đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị như cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế phát huy dân chủ trong hệ thống chính trị cũng như ngoài hệ thống chính trị; cơ chế trọng dụng người tài đức, cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước; cơ chế tạo động lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân…

Để hoàn thiện đồng bộ các cơ chế trước hết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đất nước. Pháp luật phải hướng tới phục vụ nhân dân, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân

TS Đinh Văn Thụy nhấn mạnh: “Để phát huy nhân tố con người Việt Nam nói chung trong điều kiện hiện nay, trước hết phải phát huy nhân tố con người trong đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức để có một hệ thống chính trị tinh gọn hiệu lực hiệu quả cao nhất. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tận tụy, gương mẫu, liêm chính, chí công vô tư để nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Nhân dân tin tưởng thì nhân dân mới đem hết khả năng và năng lực của mình ra để xây dựng quê hương đất nước”, TS Thụy nhấn mạnh.

Theo ông Thụy, phát huy nhân tố con người trong đội ngũ cán bộ, đảng viên còn nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo hướng phục vụ, kiến tạo phát triển và quản trị tốt; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong nhân dân, từ đó nhân dân chủ động, tích cực, hăng hái hơn trong xây dựng đời sống hạnh phúc cá nhân cũng như phồn vinh, hùng cường cho đất nước Việt Nam.

Song song với đó còn phải có cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên; cơ chế phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, qua đó phát huy tốt nhất nhân tố con người trong đội ngũ cán bộ, đảng viên làm tiền đề cho phát huy nhân tố con người trong quần chúng nhân dân.

TS Đinh Văn Thụy cũng nhấn mạnh việc đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong tất cả các chủ trương, đường lối, kế hoạch, mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Theo ông, Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân và dân tộc Việt Nam; lợi ích của Đảng không có gì khác ngoài lợi ích của nhân dân. Do đó mọi chủ trương, đường lối, kế hoạch, chỉ tiêu của Đảng và Nhà nước phải hướng tới phục vụ nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. “Để thực hiện được điều đó phải luôn luôn đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong tất cả các chủ trương, đường lối, kế hoạch, mục tiêu qua động viên nhân dân tham gia quản lý và tự quản xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng văn hoá, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao dân... hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV khẳng định.

Đọc thêm