Nhiều quy định mới
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thực thi chính là ủy ban kiểm tra các cấp được ví là “thanh bảo kiếm và lá chắn của Đảng”, trên tinh thần lấy phòng ngừa, xây là chính, thời gian qua đã đi vào những lĩnh vực “nóng”, nhạy cảm, kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, chấn chỉnh, ngăn chặn hành vi vi phạm. Đồng thời, làm rõ nhiều vụ việc, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức Đảng, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ cương vị cao. Báo cáo chính trị được thông qua tại Đại hội XIII ghi nhận: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, có hiệu lực, hiệu quả, nhất là ở cấp Trung ương; hoạt động của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được tăng cường, ngày càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương”.
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật theo định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã ký Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (Quy định 22). Quy định này quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với các tổ chức Đảng và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quy định này áp dụng đối với tổ chức Đảng và đảng viên, bao gồm cả tổ chức Đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu. So với Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Trung ương khóa XII (Quy định 30) cùng về nội dung này, Quy định 22 có nhiều điểm mới và quy định chi tiết, cụ thể hơn.
Đặc biệt, Quy định 22 dành điều riêng quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát. Trong đó, quy định rõ phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.
So với Quy định 30, Quy định 22 còn có thêm một điểm mới nữa là có một điều riêng về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Theo đó, mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật cùa Đảng, không có ngoại lệ. Đảng viên đã nghỉ hưu, nếu phát hiện vi phạm khi đang công tác thì vẫn bị kỷ luật như đang đương chức…
Có thể nói, đây là những quy định nghiêm minh, để thúc đẩy hơn hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, đáp ứng kỳ vọng của người dân. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả và phát huy hết năng lực “thanh bảo kiếm”, vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa, nhất là ở ủy ban kiểm tra cấp cơ sở.
Bảo vệ cán bộ “dám đột phá”
Quy định 22 là một bước cụ thể hóa quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
Yêu cầu này là rất đúng, rất trúng và kịp thời bởi sau Đại hội XIII, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và muốn vậy, phải có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Đây là vấn đề rất mới về mặt lý luận. Và thực tiễn đã chứng minh để có những đột phá trong phát triển, phải có những cán bộ như vậy. Việc “khoán hộ trên cánh đồng” của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc trước đây vẫn là một trong những câu chuyện đẹp đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ XX, để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Đó là kỷ luật thì phải nghiêm minh, chính xác, cụ thể, đúng người, đúng việc, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” nhưng cũng không làm “thui chột” tư duy sáng tạo, đổi mới, hành động của cán bộ và nhân dân vì lợi ích chung của đất nước.