Tinh thần thượng võ của các “kỵ sĩ chân đất”
Ngựa giữ vai trò quan trọng đối với đời sống đồng bào dân tộc miền núi. Ngựa vừa là người bạn thân thiết vừa là phương tiện vận chuyển quan trọng hằng ngày… Ngựa đã đồng hành cùng người dân trong cuộc sống nơi núi cao, sương trắng.
Vào năm 1975, ở Bắc Hà (Lào Cai) tổ chức một buổi diễu hành với trên 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy Quân sự huyện) Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ.
Đua ngựa ở Tây Bắc là cuộc đua của những nông dân, ngựa đua là những con ngựa thồ, những nài cưỡi trên lưng ngựa không có yên cương, không bàn đạp giữ chân mà chỉ có đai buộc ngựa, hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển. Cuộc đua ngựa ở miền núi thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, sự tự tin mãnh liệt.
Cuộc đua ngựa được cả làng háo hức mong chờ. Đồng bào các dân tộc Bắc Hà tổ chức nghi lễ diễu hành ngựa để khởi đầu năm mới thuận lợi, bình an. Các gia đình chọn con ngựa to, đẹp nhất, buộc nơ đỏ, hồng thành bông hoa trước trán ngựa. Buổi sáng từ các ngả đường, mọi người tập trung ở dinh thự Hoàng A Tưởng để diễu hành. Dẫn đầu đoàn diễu hành là người thổi kèn, trống, tiếp sau là các thiếu nữ dân tộc Tày, Mông trong trang phục truyền thống, sau đó đến đoàn ngựa hàng trăm con, sau cùng là đoàn trâu.
Ngày 31/5/2021, trong 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Lễ hội đua ngựa Bắc Hà đã chính thức được ghi danh.
Đoàn diễu hành đi qua các con phố và tập trung tại dinh, sau đó các “kỵ sĩ” tiến hành đua ngựa xem ngựa ai chạy nhanh. Ngựa có vị trí quan trọng để làm phương tiện di chuyển, thồ hàng, nên tất cả các cơ quan trên địa bàn huyện đều nuôi ngựa. Khoảng thời gian đó, hằng năm, huyện Bắc Hà tổ chức cuộc thi cưỡi ngựa, bắn súng; dân binh có sức khỏe, nhanh nhẹn được lựa chọn tham gia, mỗi xã đều có 2 - 3 người tham dự.
Khi có người già khởi xướng đua ngựa, nhà nhà hưởng ứng chuẩn bị cuộc đua. Những chàng trai tham gia cuộc đua được dân làng yêu mến gọi là “kỵ sĩ chân đất” chọn cho mình một con ngựa tốt, móng đẹp, răng khoẻ, chạy êm để chăm sóc đưa vào cuộc đua. Có nhiều hình thức đua tuỳ theo số người, số ngựa như vừa phi ngựa vừa bắn cung bắn nỏ vào mục tiêu cố định hay di động, hoặc soải mình với lấy một vật dưới đất. Quà tặng cho “kỵ sĩ” thắng cuộc chỉ là tượng trưng, có thể chỉ là vài chén rượu, hoặc 3kg ngô cùng lời khen, sự kính nể.
|
Giải đua ngựa Shanrila Mường Lò 2024. (Ảnh: Duy Hà) |
Trong quá trình tham gia tranh tài, nhìn những nài ngựa cúi rạp mình trên lưng những con “tuấn mã” đang phi nước đại mới thấy cái khó và sự dũng cảm của những kỵ sĩ trên đường đua. Các “kỵ sĩ” thắng cuộc được tính là người có thời gian ngắn nhất và số điểm bắn trúng bia cao nhất.
Điểm chung của họ chính là tinh thần thượng võ, yêu thể thao và quan niệm không có thắng thua, chỉ có niềm tự hào. Đặc biệt, những “kỵ mã” cũng là những chú ngựa vùng cao, người bạn gắn bó thân thiết với người dân, giúp đỡ họ trong việc thồ hàng, di chuyển trên cung đường hiểm trở miền Tây Bắc. Những chú ngựa vùng cao nhỏ dáng nhưng có sức mạnh phi thường, từ lạ lẫm đường đua đến những nước đại tăng tốc, tạo nên màn đua tranh “nghẹt thở”.
Âm thanh hòa quyện của tiếng vó ngựa rộn rã, khẩu lệnh mạnh mẽ của những nài ngựa, hòa cùng tiếng hò reo phấn khích khiến người xem như bước vào một lễ hội Tây Bắc thực thụ.
Gìn giữ di sản phi vật thể
Vang vọng giữa núi rừng Tây Bắc, tiếng vó ngựa phi vẫn luôn là âm thanh quen thuộc trong đời sống của người dân miền núi. Từ khi những con đường đất còn ôm quanh bản làng, mỗi gia đình đều đồng hành bên chú ngựa trong từng nhịp sống: từ đi lại, vận chuyển đến chuyện cày cấy, ruộng đồng.
Tuy nhiên, việc duy trì “phương tiện” truyền thống này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi thôn, bản dần được hiện đại hóa với những con đường xi măng trải dài. Nếp sống của người dân cũng dần không còn dựa vào ngựa, mà thay vào đó là xe đạp, xe máy, ô tô để lưu thông, máy móc để cấy cày. Dù nhiều hộ gia đình vẫn còn giữ nếp nuôi ngựa, nhưng số lượng đã thưa đi rõ rệt.
Trong xu thế hội nhập, lo ngại các môn thể thao dân tộc - di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, những năm qua, các tỉnh Tây Bắc đã tổ chức giải đua ngựa thu hút nhiều vận động viên người dân tộc tham gia.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà (Lào Cai) được khôi phục năm 2006 sau hàng chục năm gián đoạn. Từ đó đến nay, giải đã trở thành lễ hội thường niên của huyện Bắc Hà, tổ chức mỗi năm 1 lần. Tới năm 2020, Giải đua ngựa “Vó ngựa cao nguyên trắng Bắc Hà” mở rộng thu hút cả các nài ngựa đến từ các tỉnh bạn. Trang phục các nài ngựa chuyên nghiệp hơn với áo, mũ bảo hiểm đồng phục. Năm 2024, Festival Cao nguyên Trắng Bắc Hà với chủ đề “Bốn mùa nghiêng say” vừa diễn ra vào tháng 3/ 2024 tại thị trấn Bắc Hà.
Sa Pa (Lào Cai) cũng tổ chức lễ hội đua ngựa mang tên “Vó ngựa trên mây” với sự tham gia của khoảng 30 nài ngựa đến từ Bắc Hà, Simacai, Tuyên Quang, Bát Xát, Lào Cai. 16 nài ngựa cùng đoàn nghệ thuật khởi động màn diễu hành trong không gian ngợp cờ hoa. Du khách đã chứng kiến những “kỵ sĩ” trong trang phục dân tộc vùng cao biểu diễn ném lao, diễu cờ đầy khí thế. Cung đường đua của họ có thể gọi tên “lãng mạn nhất Việt Nam” quanh thung lũng hoa hồng hàng triệu đóa nở rộ. Du khách đã “say” nét chất phác, khảng khái của những “kỵ sĩ” vốn là người dân tộc vùng cao, gác lại công việc làm nông hàng ngày quy tụ về đây. Sau những vòng thi đấu nghẹt thở, vào buổi chiều, các nài ngựa được dịp giao lưu cùng du khách khắp thị xã Sa Pa qua màn diễu hành tại những tuyến phố trung tâm. Đoàn diễu hành dừng lại tại 3 điểm chính là khu vực phố Cầu Mây, Sân Quần và đường Ngũ Chỉ Sơn, trình diễn với cờ, bắn cung và ném lao trên ngựa, thu hút sự tò mò và chú ý của đông đảo khách du lịch và người dân.
|
Lễ hội Vó ngựa trên mây. (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Không chỉ Lào Cai, Yên Bái cũng tổ chức cuộc thi dành cho các “kị sĩ chân đất”. Theo đó, “Ngày hội đua ngựa Tây Bắc” cùng nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc sẽ diễn ra từ ngày 26/4 - 1/5/2024 tại Dự án Shanrila Mường Lò (Yên Bái). “Ngày hội đua ngựa Tây Bắc” sẽ quy tụ 100 nài ngựa, xoay quanh hàng loạt hoạt động đậm đà màu sắc dân tộc miền cao. Xuôi dòng hội xuân tất bật trên mọi nẻo đường Tây Bắc, hàng loạt “tuấn mã” dưới sự điều khiển điêu luyện của những người dân đến từ địa phương và khắp cả nước đã tụ hội về Mường Lò.
Trước đó, “Giải Đua ngựa đầu xuân 2024 - Shanrila Mường Lò” cũng được tổ chức tại Mường Lò với sự tham gia của 32 nài ngựa xuất sắc đến từ 5 đội của các tỉnh: Điện Biên, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai và Yên Bái. Khung cảnh đua ngựa mang lại cảm giác như những màn diễu hành đầy màu sắc của đội “kỵ binh” với cung nỏ, cờ phướn ngợp trời, tái hiện lại không khí kiêu hùng xưa kia của vùng núi cao Tây Bắc. Tiếng móc sắt kêu đục đạc, tiếng hô đầy uy lực của những vận động viên trên lưng ngựa, tiếng reo hò của khán giả cùng sự phấn khích tột cùng trước vạch đích… đã tạo xúc cảm vang dội giữa đại ngàn Tây Bắc.
Việc bảo tồn, phát triển môn thể thao đua ngựa truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn phát huy di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt, trong đó nhấn mạnh việc hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.