“Đưa ra đấu giá, Sacom chưa chắc đã trúng”

(PLO) - Trước việc Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển (Sacom) đặt vấn đề bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để “mua đứt” phần vốn Nhà nước tại  TCty Công nghiệp ô tô Việt Nam - Công ty Cổ phần (Vinamotor),  đại diện Vinamotor cho rằng đây cũng là “chuyện bình thường” và thương vụ này có thể phải đưa ra đấu giá, người trúng “chưa chắc là Sacom”.
Chủ tịch Vinamotor cho biết, việc mua bán cổ phần nếu có phải đấu giá qua sàn giao dịch.
Cuộc “hôn nhân không môn đăng hậu đối”?
Ngay sau khi Chính phủ có ý kiến đồng ý bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại Vinamotor, Sacom đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được mua lại toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Vinamotor. 
Cụ thể, doanh nghiệp (DN) này đề nghị mua lại một lần đối với 100% vốn Nhà nước tại Vinamotor, với tổng cộng 85.581.223 cổ phần, tương đương 97,7% vốn điều lệ. Giá đăng ký mua mà Sacom chào với Bộ GTVT là 10.000 đồng/cổ phần. Nếu thương vụ mua bán này thành công thì DN này sẽ phải bỏ ra ít nhất 855,81 tỷ đồng để có thể sở hữu Vinamotor.
Sacom được biết đến là DN đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán, chuyên sản xuất các loại dây cáp đồng, cáp quang, dây điện từ, vật liệu viễn thông và vật liệu dân dụng. Tính đến ngày 30/9/2014, tổng tài sản của Sacom là hơn  3.079 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.308 tỷ đồng, doanh thu thuần 1.141 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 104,4 tỷ đồng. 
Trong khi đó, Vinamotor, một doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mới chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/6/2014 với sản phẩm kinh doanh chủ yếu là các loại ô tô khách, ô tô tải và lĩnh vực cơ khí truyền thống, sửa chữa ô tô, máy thi công, sản xuất phụ tùng, thiết bị thay thế, sản xuất kết cấu thép, trang thiết bị thi công đường bộ, xây dựng công trình…  
Thông tin về DN này trước IPO cho biết, tính đến ngày 31/12/2013, giá trị phần vốn nhà nước tại DN là hơn 860 tỷ đồng, vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 1.000 tỷ đồng. Tại đại hội đồng cổ đông lần đầu tổ chức vào tháng 5/2014 vừa qua, Vinamotor đặt mục tiêu đạt doanh thu 388 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ là 1,26%) cho năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Mục tiêu này được nâng lên ở mức 650 tỷ đồng, lợi nhuận 33,7 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ là 3,85%) vào năm 2016.
Đáng chú ý, trong đợt IPO vào tháng 3/2014 Vinamotor dự kiến bán đấu giá lần đầu 51 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ song chỉ có 3,1% số lượng cổ phần được nhà đầu tư quan tâm đưa ra đấu giá với tổng giá trị cổ phần bán được là 15,717 tỷ đồng.
Sacom “để mắt” đến Vinamotor là một bất ngờ lớn đối với các nhà đầu tư
Người trong cuộc nói gì?
Nếu như việc Sacom “để mắt” đến Vinamotor là một bất ngờ lớn đối với các nhà đầu tư thì những người trong cuộc dường như phần nào cảm nhận được về nhau.
Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng Giám đốc Sacom cho biết, chủ trương của Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacom là đầu tư vào Vinamotor để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam.“Chúng tôi tự tin vào việc mua lại toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinamotor và quyết tâm đưa Vinamotor trở thành đơn vị kinh doanh hiệu quả.”- ông Trắc khẳng định.
Trao đổi với PLVN cuối tuần qua, ông Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch HĐQT Vinamotor cũng thẳng thắn: “Sacom sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn như vậy, chắc hẳn đã cân nhắc rất kỹ. Theo tôi, Sacom đang kinh doanh một ngành nghề khác quan tâm đến ô tô cũng không có gì là lạ, vì thực ra đối với DN có thể đang kinh doanh ở lĩnh vực này nhưng đang bị cạnh tranh khốc liệt họ hoàn toàn có thể mở hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác cũng là điều bình thường… Nhất là trong bối cảnh kinh tế đang hồi phục và bản thân kết quả kinh doanh của Vinamotor hiện đã tốt hơn rất nhiều, và có thể họ đã đánh giá được tiềm năng và cũng như nhìn thấy yếu tố mở rộng hoạt động kinh doanh của mình…”.
Ông Trung cũng cho biết, lãnh đạo Vinamotor rất hoan nghênh việc Sacom tham gia vào Vinamotor và “đính chính”: “Việc thực hiện tái cơ cấu DNNN tiến hành đúng quy trình và quy định của luật pháp, có nghĩa rất có thể việc này tiến hành đấu giá ở sàn giao dịch với nhiều nhà đầu tư khác. Trên cơ sở nhà đầu tư nào tính toán được hiệu quả cao nhất và  mức giá hợp lý nhất sẽ mua được, chưa chắc là Sacom…”
Cũng theo ông Trung, năm 2014 - năm đầu tiên Vinamotor hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tuy còn nhiều việc phải làm để Công ty hoạt động năng động theo mô hình mới, song năm vừa qua đã cho thấy là năm kinh doanh tốt nhất của Vinamotor trong 10 năm trở lại đây, trong đó cơ khí là lĩnh vực có doanh thu lớn nhất, các chỉ tiêu, sản lượng đều đạt trên 200%, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận đạt trên 600% so với đại hội cổ đông đề ra mặc dù mục tiêu ban đầu là rất khiêm tốn… 

Đọc thêm