Doanh nghiệp mất oan tài sản vì... Tòa

(PLO) - Sử dụng tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp khác để gán nợ nhưng việc làm trái pháp luật này vẫn được TAND huyện Hòa Thành công nhận là “hợp pháp”… 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Túng làm liều
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thịnh Hưng (trụ sở tại ấp Long Bình, xã Long Thành, huyện Hòa Thành) có quan hệ hợp đồng đại lý bán xe ô tô tải với Cty CP Ô tô TMT. Trong các năm 2009 — 2010, quan hệ giữa hai DN “thuận chèo mát mái”. Chỉ đến khoảng cuối năm 2010, DNTN Thịnh Hưng gặp khó khăn về tài chính nên việc làm ăn giữa hai DN này mới chững lại. 
Với vai trò là đại lý, DNTN Thịnh Hưng quản lý nhiều xe ôtô tải của Cty TMT để trưng bày và bán. Theo hợp đồng đại lý giữa hai bên thì chỉ những chiếc xe mà đại lý đã trả hết tiền cho Cty TMT thì mới được chuyển giao quyền sở hữu cho đại lý bằng việc Cty TMT chuyển hồ sơ pháp lý của chiếc xe. Thực tế, có lúc DNTN Thịnh Hưng quản lý đến 20 xe ô tô của Cty TMT mà chưa trả tiền nên những chiếc xe được giao cho DNTT Thịnh Hưng vẫn là tài sản của Cty TMT.
Trong thời gian kinh doanh, ông Phạm Tấn Quốc, chủ DNTN Thịnh Hưng phải trả nợ ông Nguyễn Thế Dũng khoản tiền vay từ năm 2002. Do không có tiền trả nợ nên ông Quốc đã phải “liều” giao 1 xe tải của Cty TMT có giá trị 368 triệu đồng để trừ nợ. 
Tuy nhiên, khi có khách hàng hỏi mua xe, ông Quốc đã đề nghị ông Dũng giao lại chiếc xe trên để bán cho khách, lấy tiền trả nợ ông Dũng và ông Dũng đồng ý. Tuy nhiên, sau khi bán được chiếc xe tải và trả tiền cho Cty TMT để nhận hồ sơ của chiếc xe, ông Quốc đã không trả tiền cho ông Dũng.
Vì lý do này, ông Dũng đã tố cáo vợ chồng ông Quốc ra Công an huyện Hòa Thành. Ngày 23/7/2010, tại Công an huyện Hòa Thành, ông Quốc lại sử dụng một chiếc xe tải khác của Cty TMT (loại 7 tấn) để gán nợ cho ông Dũng. Như vậy, đã hai lần ông Quốc sử dụng tài sản của Cty TMT gán cho ông Dũng nhằm trừ nợ khoản tiền đã vay.
Sau khi sử dụng tài sản của Cty TMT để gán nợ cho ông Dũng, DNTN Thịnh Hưng đề nghị Cty TMT cho phép bán chiếc xe này cho ông Dũng bằng việc ông Dũng nộp một phần tiền cho Cty TMT, phần còn lại DNTN Thịnh Hưng sẽ “nhận nợ” với Cty. Tuy nhiên, Cty TMT không đồng ý mà yêu cầu ông Dũng phải trả lại chiếc xe hoặc trả toàn bộ tiền mua chiếc xe để nhận được bộ hồ sơ đăng ký sở hữu chiếc xe này.
Tòa xử mà không xét
Do Cty TMT không đồng ý với việc ông Quốc sử dụng tài sản của Cty để gán nợ cho ông Dũng nên Cty đã đòi ông Quốc và ông Dũng phải trả lại chiếc xe. Bản thân ông Dũng cũng không thể sử dụng chiếc xe vì Cty TMT không chuyển giao giấy tờ và quyền sở hữu chiếc xe.
Bế tắc, ông Dũng khởi kiện ông Quốc để đòi nợ. Trong đơn kiện, ông Dũng còn đề nghị Tòa án buộc Cty TMT phải giao giấy tờ chiếc xe của Cty mà ông Quốc đã sử dụng để gán nợ. Yêu cầu này của ông Dũng là không có căn cứ vì nó không khác gì việc đề nghị Tòa án buộc Cty TMT phải trả nợ thay cho ông Quốc. 
Thế nhưng, việc “không thể tin” này lại được Tòa án huyện Hòa Thành chấp nhận. Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 30/9/2014, ông Quốc cũng thừa nhận, chiếc xe này chưa được đại lý Thịnh Hưng trả tiền cho Cty TMT nên là tài sản của Cty TMT. Việc ông Quốc đem cầm cố cho ông Dũng để trả nợ khoản vay 906 triệu từ năm 2002 là không đúng. 
Việc ông Quốc và ông Dũng sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Cty để gạt nợ là xâm phạm quyền sở hữu của Cty Cổ phần Ô tô TMT. Song, không cần xem xét ý kiến của đương sự và cả tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sở hữu chiếc xe tải của Cty TMT, Tòa án huyện Hòa Thành buộc Cty TMT phải giao hồ sơ chiếc xe cho ông Dũng để “trừ nợ” khoản nợ mà ông Quốc còn nợ ông Dũng.
Việc “xét xử” như trên, Tòa án huyện Hòa Thành đã buộc Cty TMT đem tài sản của mình để trả nợ thay cho ông Quốc mà không dựa vào bất cứ tài liệu hay căn cứ pháp luật nào. Bản án này đã trở thành bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy câu nói “chua chát” của một lãnh đạo ngành Tòa án là “án dân sự, xử thế nào cũng được” vẫn đang tồn tại trong thực tế xét xử của tòa án.
Nhưng trong thời kỳ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân như hiện nay thì không có chỗ cho những bản án bất chấp pháp luật cũng như chứng cứ như bản án nêu trên của Tòa án huyện Hòa Thành. Do vậy, ngay sau khi bản án được ban hành, Cty TMT đã kháng cáo và VKSND huyện Hòa Thành cũng kháng nghị bản án, yêu cầu TAND tỉnh Tây Ninh xem xét lại quyết định vô lý và không có căn cứ pháp luật của Tòa án huyện Hòa Thành. 
Dự kiến, ngày 16/1/2015, TAND tỉnh Tây Ninh sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án này. Liệu bản án trái pháp luật nêu trên có được xét xử lại để lấy lại niềm tin đối với ngành Tòa án và công bằng cho người dân và DN hay bất công sẽ tiếp tục kéo dài? Câu hỏi này xin gửi đến lãnh đạo TANDTC cũng như những người “cầm cân nảy mực” của TAND tỉnh Tây Ninh./.

Đọc thêm