Đua theo vụ Tết, người trồng hoa Đà Lạt lỗ nặng

(PLO) - Hiệp hội Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) cho hay, vụ hoa Tết Ất Mùi 2015 Đà Lạt chuẩn bị khoảng 1.800ha hoa các loại để phục vụ, nhưng chỉ số ít người trồng hoa thắng vụ, phần lớn bà con lâm vào cảnh “dở khóc dở mếu” vì thua lỗ nặng…
Trong vườn hoa lan Anh Quỳnh
Trong vườn hoa lan Anh Quỳnh
Thất bại thấy trước
Ông Trần Huy Đường – Giám đốc LangBian Farm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hoa (HHH) Đà Lạt - cho biết, từ trước tết ông đã dự đoán “kịch bản” này sẽ xảy ra vì thời tiết quá thất thường, tháng 9 nóng, đến tháng 12 mới lạnh. Trang trại hoa công nghệ cao của ông dù đã tìm mọi cách chống lại diễn biến của thời tiết nhưng cuối cùng vẫn “bó tay” chấp nhận thực trạng 50% diện tích hoa lan nở  trước tết.  
Ông Đoàn Văn Quỳnh - chủ trang trại hoa Anh Quỳnh (đường Vạn Kiếp, phường 8, Đà Lạt) vốn nổi tiếng là một nghệ nhân trồng hoa lan có nhiều kinh nghiệm, lắc đầu kể: “Vườn địa lan của tôi hơn 20.000 chậu đã nở bung bét từ trước tết cả tháng, hãm cách mấy cũng không lại. Hàng tỷ đồng hoa phục vụ thị trường tết của tôi coi như đi đứt”.
Anh Hoàng Anh ở Thái Phiên, phường 11, TP.Đà Lạt than thở: “Mấy năm trước, tôi chuyển một phần diện tích hoa cúc sang trồng địa lan vì thấy nhiều người trúng lan dịp tết. Tết năm nay, hơn 3.000m2 hoa lan của tôi ra lứa hoa đầu tiên, tưởng đâu sẽ lấy lại được ít vốn, ai dè năm nhuận, trước tết 1 tháng, một nửa vườn hoa đã nở nên năm nay lỗ nặng”. 
Không chỉ hoa lan, năm nay hoa cúc cũng nở khá sớm và bị “dội hàng”. Ngay tại các vườn hoa cúc trồng trong nhà kính ở các làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, trước tết hoa đã nở vàng rực. Chị Trần Thị Hồng ở làng hoa Thái Phiên cho biết, trước tết chị chỉ bán được khoảng 30% số hoa cúc trong vườn, mới 25 tết chủ vựa hoa ở miền Trung đã thông báo không mua tiếp.
Trái ngược với hoa lan, hoa cúc, tết năm nay hoa ly và lay ơn lại lâm vào cảnh nở muộn nên bị “rớt giá” thê thảm. Ước tính vụ hoa tết năm nay Đà Lạt có khoảng 500ha hoa ly được bà con ươm trồng, trong đó có khoảng 25% hoa ly nở muộn, nên sau tết phải bán với giá rất thấp, chỉ từ 40.000-60.000đ/bó, thu không đủ bù chi khiến nhiều người  trồng hoa ly ở Vạn Thành, Đa Thiện (Đà Lạt) lỗ nặng. 
Riêng lay ơn do dự báo thị trường khan hiếm nên bà con mở rộng diện tích trồng lên đến 500ha. Tuy nhiên, năm vừa rồi từ cuối tháng 11 trời lạnh buốt khiến lay ơn chậm phát triển làm hoa nở muộn, lại gặp cảnh “rớt giá” thê thảm, không đủ chi phí để thuê người cắt hoa và vận chuyển, đành để nở đỏ đồng và… cho bò ăn! 
Tuy vậy, trong lúc hàng nghìn nông dân trồng hoa khốn đốn thì cũng không ít người đầu tư cho giống hoa mới lạ lại “trúng quả”. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc hợp tác và thu mua Cty Dalat 
Hasfarm - cho biết, doanh số của công ty trong vụ hoa tết năm nay tiếp tục tăng, do công ty chỉ sản xuất các loại hoa như thu hải đường, tulip, trường sinh chậu nhỏ, đồng tiền... Ông Nguyễn Công Hóa, người trồng hoa hồng lâu năm ở làng hoa Vạn Thành cho biết, hơn 10 năm nay hoa hồng Đà Lạt mới có giá thu mua đạt kỷ lục, giá thu mua tại vườn là 8.000 đồng/bông. Lượng hoa hồng dịp lễ Valentine 2015 “cháy hàng” vì “cung không đủ cầu” do nhiều người trồng hồng đã chuyển sang trồng loại hoa khác.
Còn “liều mình”, còn rủi ro
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa (Cty Dalat Hasfarm), muốn tham gia thị trường hoa tết, nông dân Đà Lạt nên thay đổi cách thức, đó là sản xuất những loại hoa có thể bán trong và cả sau tết chứ không đặt cược vào hoa tết mà không đầu tư giống mới, đặc trưng của Đà Lạt. “Chứ làm hoa tết theo kiểu hiện nay của nông dân Đà Lạt là “liều mình” kiếm sống, có nhiều nguy cơ thua lỗ” – ông Nghĩa nói. 
Ông Trần Huy Đường thì cho rằng, khó khăn nhất của nông dân trồng hoa ở Đà Lạt hiện nay vẫn là chưa làm chủ được giá cả và thị trường tiêu thụ; giá bán hoa hầu như lệ thuộc vào các thương lái nên dễ lâm vào tình cảnh “sáng tươi, chiều héo, tối đổ đi”. Đó là chưa nói công nghệ bảo quản, đóng gói sau thu hoạch đối với các doanh nghiệp lớn thì có, còn đại đa số nông dân trồng hoa thì không vì thiếu vốn đầu tư và công nghệ. 
Theo số liệu thống kê,  Lâm Đồng hiện có 6.290ha trồng hoa, trong đó riêng TP.Đà Lạt chiếm 3.950ha. Thời gian qua, hoa đã giúp không ít nông dân ở Đà Lạt trở thành tỉ phú. Tuy nhiên, phần lớn bà con trồng hoa tại địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn. 
Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoa, tăng tính cạnh tranh, trong đó phát huy vai trò của các hợp tác xã để tránh tình trạng bị tư thương ép giá. 
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng quan trọng nhất là Nhà nước cần đóng vai trò chủ động trong việc hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết như nguồn gốc giống, đặc điểm giống, quy trình kỹ thuật, công nghệ, thị trường… để hỗ trợ người trồng hoa; cần tư vấn cụ thể cho người trồng hoa về cách chọn đất, chọn giống, chọn cây phù hợp, cách chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… để làm sao cho ra sản phẩm hoa đạt chất lượng tốt nhất. 
Các nông hộ trồng hoa nên tổ chức thành từng nhóm liên kết sản xuất từng loại hoa theo đúng quy trình, thời gian canh tác, chủng loại hoa để có thể đáp ứng thị trường với quy mô lớn, đồng nhất, chất lượng cao… từng bước tạo đầu ra ổn định cho hoa Đà Lạt.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sắp tới chính quyền địa phương sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành hoa và tiến hành rà soát quy hoạch tổng thể, xây dựng chi tiết các vùng chuyên canh trồng hoa cho từng chủng loại hoa phù hợp theo từng vùng; đồng thời tập trung sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm hàng loạt, đồng nhất, mang tính ổn định và bền vững. 
Bên cạnh đó, sẽ chỉnh trang, đầu tư hơn nữa các làng nghề truyền thống trồng hoa phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách và tiếp tục thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, tạo tính đột phá về công nghệ, thị trường cho ngành trồng hoa. 

Đọc thêm