Đưa vốn chính sách về vùng cao Tuyên Hóa

(PLO) - Tổng doanh số cho vay trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 174 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 500 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ 14,2% so với năm 2017, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng…  là những nét nổi bật về thực hiện tín dụng chính sách ở huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Kinh tế nhà ông Nguyễn Văn Minh (thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) bứt phá rõ rệt từ sức bật của những đồng vốn chính sách đầu tư vườn bưởi
Kinh tế nhà ông Nguyễn Văn Minh (thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) bứt phá rõ rệt từ sức bật của những đồng vốn chính sách đầu tư vườn bưởi

Đi theo con đường quốc lộ 12A từ thị xã Ba Đồn ngược dòng sông Gianh lên phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình là huyện miền núi Tuyên Hóa. Những con đường năm xưa dốc, đá gồ ghề, phải đi qua nhiều khe suối nay đã được thay thế bằng những con đường trải nhựa phẳng lỳ, bê tông rộng thênh thang về tận đến các thôn, xóm, bản làng. 

Với nhiệm vụ được giao là cấp tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện miền núi mà kinh tế, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trong những năm qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực tăng trưởng dư nợ cho vay để đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của người nghèo và các đối tượng chính sách khác nơi đây.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng doanh số cho vay của đơn vị là 174 tỷ đồng với 4.300 lượt hộ vay, đưa tổng dư nợ cho vay lên 497 tỷ đồng, tăng 61,7 tỷ đồng (tương đương tăng 14,2%) so với thời điểm cuối năm 2017, là đơn vị có dư nợ cao nhất trong các Phòng giao dịch thuộc chi nhánh tỉnh Quảng Bình. Đi đôi với tăng trưởng dư nợ, Phòng giao dịch huyện đã không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, không để phát sinh nợ quá hạn sau các phiên giao dịch tại xã, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn ở mức từ 0,10% trở xuống.

Chị Trần Thị Liên (ở thôn Đồng Lào, xã Thuận Hóa) có hoàn cảnh rất éo le, chồng bị bạo bệnh mất sớm, một mình chị phải nuôi 3 đứa con nhỏ và mẹ già gần 80 tuổi. Không cam chịu cảnh đói nghèo, được sự tín chấp của Hội Nông dân xã, Tổ Tiết kiệm và vay vốn, chị mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện chương trình hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng. Có vốn, chị đầu tư nuôi gà thả vườn và sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tổng đàn gà của chị thường xuyên có trên 200 con gà thịt, giải quyết việc làm cho 2 lao động, thu nhập của gia đình hàng năm đạt từ 50-60 triệu đồng. Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo của địa phương, đến cuối năm nay gia đình chị sẽ thoát được nghèo.

Không như chị Trần Thị Liên, ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa lại chọn cho mình hướng đột phá trong làm kinh tế vườn đồi táo bạo hơn. Sau khi các con đã có ngành nghề ổn định, trả hết nợ vay chương trình học sinh, sinh viên tại NHCSXH huyện cho 6 người con học đại học, cao đẳng, ông được NHCSXH huyện cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng. Có vốn, gia đình ông đầu tư vào chăm sóc 3 hecta đất vườn đồi trồng gần 500 cây bưởi Phúc Trạch. Vụ mùa thu hoạch tháng 8 vừa rồi, từ 250 cây bưởi, sau khi trừ đi các khoản chi phí, ông thu về lãi ròng 580 triệu đồng. 

Hiện nay gia đình đang tiếp tục chăm sóc thêm trên 250 cây bưởi đến kỳ cho ra quả. Ông Minh nhẩm tính, sang vụ thu hoạch năm 2019 nếu giá bưởi được như năm nay gia đình sẽ thu về khoảng 1,1 tỷ đồng - một con số đáng mơ ước của nhiều hộ nông dân. Chia sẻ với chúng tôi, ông Minh cho biết: “Kinh tế gia đình tôi có của ăn, của để như ngày hôm nay là nhờ rất lớn vào nguồn vốn cho vay của NHCSXH, tôi mong muốn rằng sắp tới sẽ có nhiều hộ được tiếp cận vay vốn chính sách hơn nữa để phát triển kinh tế”.

 Học theo ông Minh, nhiều bà con trong thôn, trong xã đã tìm đến ông để được hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng bưởi và được ông hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiệt tình. Trong những năm tới đây chắc chắn sẽ có nhiều mô hình, nhiều gia đình trồng bưởi và làm giàu như gia đình ông Minh trên mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá này. 

Không những chỉ gia đình chị Liên, ông Minh vươn lên vững chắc từ đồng vốn chính sách, mà còn rất nhiều hộ gia đình khác nữa ở huyện miền núi Tuyên Hóa đã và đang sử dụng nguồn vốn vay tín dụng chính sách có hiệu quả, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương Tuyên Hóa anh hùng. 

Đọc thêm