Đức: Gia tăng “chóng mặt” tội phạm mạng

(PLO) - Ngày 3/5, Chính phủ Đức và các nhà quản lý công nghiệp nước này cho biết tội phạm trong lĩnh vực không gian mạng ở Đức đang lan rộng, song phần lớn những vụ tấn công nhằm vào các cá nhân và doanh nghiệp đều không được báo cáo. 
Số vụ tấn công mạng được ghi nhận trong năm 2016 ở Đức đã lên tới hơn 82.000, gây thiệt hại hơn 51 triệu euro
Số vụ tấn công mạng được ghi nhận trong năm 2016 ở Đức đã lên tới hơn 82.000, gây thiệt hại hơn 51 triệu euro

Phát biểu tại một buổi hội thảo diễn ra cùng ngày, người đứng đầu đơn vị tội phạm mạng tại Văn phòng Tội phạm Liên bang Đức, ông Markus Koths thông báo số vụ tấn công mạng được ghi nhận trong năm 2016 đã lên tới hơn 82.000, gây thiệt hại hơn 51 triệu euro (khoảng 55,7 triệu USD). 

Thiệt hại khổng lồ

Tuy nhiên, theo ông Koths, con số này chỉ chiếm 1/10 so với thực tế bởi một số tập đoàn công nghiệp cho rằng thiệt hại ước tính có thể lên tới 22,4 tỉ euro. Mặt khác, điều khiến số vụ tấn công mạng gia tăng nhanh chóng là do xu hướng "cung cấp dịch vụ tội phạm mạng", khi có ngày càng nhiều tin tặc đang cung cấp các dịch vụ tấn công cũng như phần mềm độc hại trên những nội dung ẩn của mạng Internet. Ông Koths cho biết cơ quan an ninh mạng Đức ước tính có khoảng 560 triệu chương trình phần mềm độc hại khác nhau đang được lưu hành, tăng 440 triệu so với năm trước. 

Người đứng đầu Hiệp hội Nhà sản xuất điện và điện tử ZVEI, ông Klaus Mittelbach cho biết vào năm ngoái, nhóm thương mại của ông đã bị các loại virus gọi là "ransomware" (một dạng phần mềm tống tiền) mã hóa dữ liệu và yêu cầu thanh toán để được mở khóa. Theo ông Mittelbach, Chính phủ Đức nên thành lập một số trung tâm khẩn cấp để tạo thuận lợi cho những người bị tấn công mạng báo cáo vụ việc.

Trong khi đó, Chủ tịch Văn phòng Tội phạm Liên bang Holger Muench cho rằng Đức cần nhanh chóng phát triển những kỹ thuật mới để phát hiện tội phạm mạng. Ông Muench khẳng định Đức đang nỗ lực chia sẻ dữ liệu, thông tin tình báo với các cơ quan thực thi pháp luật ở một số quốc gia khác. 

Giám đốc Viện Xã hội Số Sandro Gaycken lưu ý Đức là một mục tiêu lớn trong lĩnh vực gián điệp công nghiệp. Ông Sandro trích dẫn một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Mỹ cho thấy thiệt hại từ tội phạm mạng chiếm khoảng 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng tỷ lệ này tại Đức là khoảng 1,6%.

Vây bắt và truy quét

Trước đó, cảnh sát Đức đã mở một cuộc vây bắt 170 đối tượng tình nghi có liên quan đến tội phạm mạng tại Đức, Hà Lan, Pháp và Canada. Đây là cuộc vây bắt đa quốc gia có sự phối hợp của khoảng 700 cảnh sát các nước. Những tin tặc này đã sử dụng phần mềm độc hại trá hình qua mặt mọi chương trình chống virus để ăn cắp mật khẩu trực tuyến, dữ liệu ngân hàng của người dùng, rồi từ đó lừa đảo hoặc tống tiền nạn nhân.

Về phần mình, hãng bảo mật Symantec cũng cảnh báo, mạng Internet của Anh và Đức có nhiều mối nguy hại nhất trong các nước châu Âu. Đức từ lâu đã là một “cái nôi” của các tổ chức tội phạm mạng khi luôn dẫn đầu về số lượng phần mềm độc hại, số vụ lừa đảo trực tuyến, mạng botnet và các hoạt động phạm pháp khác.

Symantec cho rằng hầu hết tội phạm mạng ở Anh chỉ tấn công các mục tiêu trong nội bộ nước này, trong khi đó những “đồng nghiệp” tại Đức thường xuyên tấn công các mục tiêu trên toàn thế giới. Đức là nước sở hữu nhiều máy chủ cho mạng botnet và các website lừa đảo.

Trong năm 2010, Symantec ghi nhận được 470.000 trường hợp máy tính bị nhiễm mã độc và là “thành viên bất đắc dĩ” cho các mạng botnet, cứ trong năm máy tính như vậy ở châu Âu lại có một máy tính ở Đức.

Theo các hãng bảo mật, Đức được coi là “cái nôi” dung túng các hành vi phát tán virus, lừa đảo qua thư điện tử và thư rác. Bởi lẽ nước này có cơ sở hạ tầng Internet tốt và số dư trung bình các tài khoản ở ngân hàng Đức cũng cao hơn so với các nước khác.../.