Nội dung sự việc như sau: Năm 1992, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Nhà nước, xã Tà Năng vận động các hộ dân đóng tiền thuê người cày đất, khai hoang khoảng 3ha với giá 70.000 đồng/1.000m2 để trồng dâu nuôi tằm. Trong đó các hộ: Vũ Hữu Sậu, Đỗ Quốc Việt, Trần Văn Diệp… đóng góp 210.000 đồng tương ứng với 3.000m2/hộ.
UBND xã đã giao cho hộ ông Sậu 3.000m2 đất để sản xuất. Năm 2008, ông Sậu xin cấp “sổ đỏ”. Ngày 21/7/2008, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng ra Quyết định (QĐ) số 1865 “không chấp nhận”. Ngày 18/9/2008, UBND huyện Đức Trọng tiếp tục ra QĐ số 2473 thu hồi hơn 3.000m2 đất vì cho là ông Sậu “lấn chiếm” khu vực quy hoạch trung tâm xã, nhưng đến ngày 9/7/2009 huyện mới có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu dân cư trung tâm xã Tà Năng. Ngày 17/5/2012, UBND huyện ra QĐ số 45 không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Sậu, tiến hành thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại chỗ. Ông Việt, ông Sậu vừa chấp hành, vừa gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Tiếp đó, ngày 17/11/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 6154 kết luận: Nội dung tố cáo ông Phan Văn Báu - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng ký ban hành QĐ thu hồi 3.000m2 đất của gia đình ông Đỗ Quốc Việt không đúng quy định của pháp luật là tố cáo đúng vì QĐ thu hồi đất ban hành trước thời điểm Nhà nước quy hoạch xây dựng khu dân cư xã Tà Năng là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Đất đai năm 2003 (văn bản pháp luật áp dụng tại thời điểm thu hồi đất).
Sau đó, ngày 28/9/2015, UBND huyện Đức Trọng ra QĐ số 56 thu hồi các QĐ thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ đối với hộ ông Việt. Ngày 23/01/2017, ra Văn bản số 32 chấp nhận hủy bỏ QĐ số 1619 của UBND huyện, giao Phòng Tài nguyên và Môi trường cắm mốc vị trí diện tích đất 3.000m2 thuộc thửa 99, 100 tờ bản đồ số 01 để hộ ông Việt tiếp tục sử dụng. Ngày 29/6/2018, ra Văn bản số 280 chấp nhận cấp sổ đỏ cho hộ ông Việt.
Theo ông Sậu, trường hợp đất của ông có nguồn gốc tương tự đất của ông Đỗ Quốc Việt nhưng lại không được giải quyết nên ông khởi kiện ra tòa án.
Ngày 11/6/2020, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên Bản án sơ thẩm số 08 “bác yêu cầu khởi kiện” của ông Sậu, vì cho rằng: “Đến năm 1992, ông Vũ Hữu Sậu đã nhận 3.000m2 đất để sản xuất và thanh toán 210.000 đồng (70.000 đồng/1.000m2) theo chủ trương cày đất để chuyển đổi cây trồng của Nhà nước. Đến năm 1995, xã Tà Năng có chủ trương quy hoạch trung tâm xã để xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư… Đảng ủy, UBND xã đã vận động một số hộ dân có đất được UBND xã giao từ năm 1992 để sản xuất nông nghiệp trả lại đất cho Nhà nước để thực hiện quy hoạch, hộ ông Sậu đã nghiêm túc chấp hành… Ông Sậu đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, nhận đất tái định cư lô đất số C247/495m2, hơn nữa ông Sậu bị thu hồi diện tích đất do ông Sậu lấn chiếm đất quy hoạch trung tâm xã Tà Năng nhưng vẫn được xem xét bồi thường, hỗ trợ tái định cư là đã xem xét quá trình sử dụng đất của ông phù hợp với quy định của pháp luật” (!?).
Vợ chồng ông Sậu cho rằng đã bỏ tiền ra thuê cày khai hoang 3.000m2 đất theo chủ trương của huyện, của xã chứ ông không xin nhận đất của Nhà nước và nộp tiền để chuyển đổi cây trồng, nên không có chuyện năm 1995 được sự vận động các hộ dân và ông Sậu đã “nghiêm túc chấp hành” trả lại 3.000m2 đất cho xã để thực hiện quy hoạch.
Theo quan điểm của một số luật sư, việc Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng ban hành các QĐ không cấp “sổ đỏ”, thu hồi đất của gia đình ông Sậu trước khi có QĐ phê duyệt quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 39; khoản 2, 3 Điều 44 Luật Đất đai 2003. Mặt khác, UBND huyện cho rằng ông Sậu lấn chiếm đất, nhưng lại ra các QĐ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là mâu thuẫn và vi phạm Điều 43 Luật Đất đai.
Ông Sậu cho biết, sau khi TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện, ông đã gửi đơn kháng cáo, kêu oan đến các cơ quan chức năng.