Đùn đẩy trách nhiệm giải quyết quyền lợi của dân

(PLO) - Liên quan đến những “lùm xùm” trong Dự án xây dựng Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Dự án) như Báo PLVN đã phản ánh, mới đây, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị bố trí phần kinh phí đền bù còn thiếu cho hộ bà Nguyễn Thị Tiệp vì để xảy ra sai sót thuộc trách nhiệm của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Nguyên. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai trong khi quyền lợi của bà Tiệp vẫn chưa được giải quyết? 
Công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc
Công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc

Thừa nhận sai sót

Như PLVN đã phản ánh, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã thừa nhận sai sót trong việc xác định vị trí thửa đất số 162, tờ bản đồ địa chính số 11 phường Hoàng Văn Thụ dẫn đến việc bồi thường cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tiệp (73 tuổi, tổ 11, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), thiếu 4,4 tỷ đồng khi giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án.

Đây là dự án được Bộ VH-TT&DL phê duyệt tại Quyết định số 2961/QĐ-BVHTT ngày 16/9/2003. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục sai phạm do lỗi của các cơ quan có thẩm quyền trong bồi thường, hỗ trợ GPMB cho hộ bà Tiệp vẫn “án binh bất động”.

Được biết, ngày 12/8/2015, UBND TP Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị gồm đại diện Bộ VH-TT&DL, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (chủ đầu tư) cùng các sở, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất: “Đề nghị Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét bổ sung kinh phí để phê duyệt chi trả cho hộ bà Tiệp...”.

Ngày 14/3/2016, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã có Công văn số 18/TTr-NHCMNVB về việc đề nghị xin điều chỉnh kinh phí hạng mục GPMB Dự án để giải quyết đơn khiếu nại của hộ bà Tiệp gửi lãnh đạo Bộ VH-TT&DL với nội dung: “Đề nghị Bộ trưởng cho phép điều chỉnh kinh phí hạng mục GPMB bằng nguồn dự phòng của dự án để giải quyết dứt điểm một trường hợp duy nhất còn tồn tại. Không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án và đảm bảo công bằng cho công dân theo đúng pháp luật”.

Giải quyết khiếu nại của bà Tiệp, ngày 7/6/2016 Bộ VH-TT&DL có Văn bản số 2122/BVHTTDL-KHTC về việc “Giải quyết đền bù cho bà Tiệp để thực hiện GPMB Dự án” gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, nội dung: Thực hiện theo quyết định phê duyệt dự án, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Nguyên (TTPTQĐ) để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB khu đất xây dựng dự án...

Kinh phí bồi thường, GPMB để thu hồi đất xây dựng dự án đã được Bộ VH-TT&DL bố trí đầy đủ (tổng số gần 84 tỷ đồng), việc để xảy ra sai sót thuộc trách nhiệm của TTPTQĐ; theo quy định tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ là “Không bố trí vốn ngân sách cho phần tăng tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư”, nên ngân sách của Bộ VH-TT&DL không thể bổ sung số tiền gần 5 tỷ đồng cho công tác đền bù GPMB của Dự án do lỗi xác định sai vị trí thửa đất của TTPTQĐ”.

Vẫn văn bản này: “Để đảm bảo quyền lợi hài hòa cho người dân và quy định của pháp luật, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét bố trí phần chi phí đền bù GPMB tăng thêm của hộ bà Tiệp từ kinh phí của tỉnh hoặc từ nguồn thu của TTPTQĐ hoặc cấp đất tái định cư cho hộ bà Tiệp có giá trị tương đương với số kinh phí được hưởng.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Nói về văn bản của Bộ VH-TT&DL, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật Đại Nam - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Bằng Công văn số 2122/BVHTTDL-KHTC ngày 07/6/2016 về việc giải quyết đền bù cho bà Tiệp để thực hiện Dự án, Bộ VH-TT&DL đã đùn đẩy trách nhiệm cho UBND tỉnh Thái Nguyên trích kinh phí của tỉnh hoặc nguồn thu của TTPTQĐ hoặc bố trí cấp đất tái định cư đền bù bổ sung cho hộ gia đình bà Tiệp vì các lý do: Sai sót thuộc trách nhiệm của TTPTQĐ và áp dụng Chỉ thị 14/CT-TTg “Không bố trí vốn ngân sách cho phần tăng tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư” là không đúng bởi lẽ: 

Thứ nhất, căn cứ khoản 2 Điều 32 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: “2. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án được quy định như sau: a) Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án đầu tư; b) Bộ, ngành có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; chấp thuận, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng do Bộ, ngành thực hiện và các dự án do Bộ, ngành làm chủ đầu tư”.

Do đó, Dự án do Bộ VH-TT&DL quyết định đầu tư, vì vậy, theo quy định nêu trên, Bộ phải có trách nhiệm đảm bảo kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ gia đình bà Tiệp. Mặt khác, căn cứ quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trường hợp có sai sót không dự tính được dẫn đến tăng chi phí hạng mục GPMB và còn nguồn chi phí dự phòng thì không điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án mà chỉ điều chỉnh kinh phí các hạng mục trong dự án. 

Thứ hai, việc Bộ VH-TT&DL áp dụng Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ “Không bố trí vốn ngân sách cho phần tăng tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư”, là áp dụng sai Chỉ thị số 14/CT-TTg. Bởi lẽ, quy định tại điểm b khoản 1 Mục II Chỉ thị số 14/CT-TTg chỉ áp dụng cho trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án.

Trong trường hợp này Dự án có hạng mục chi phí dự phòng là hơn 11 tỷ đồng, theo quy định sẽ được sử dụng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư và chi phí khác...

Như vậy, khi chi phí bồi thường, hỗ trợ GPMB tăng do không dự toán trước được sẽ được trích chi phí dự phòng ra thanh toán nên không phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án mà chỉ điều chỉnh kinh phí hạng mục GPMB lấy từ nguồn kinh phí dự phòng. 

Đọc thêm