Đừng để “câu chuyện chiếc bánh mỳ” thành “tổ kiến lửa sụt toang đê vỡ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sự việc nam thanh niên bị phạt do ra ngoài mua ổ bánh mì ở Khánh Hòa đã phản ánh hiện tượng có một bộ phận cán bộ chưa thực sự “lấy dân làm gốc”, càng không phải là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân.

Từ câu chuyện về "chiếc bánh mỳ" đến biểu hiện “xa dân”

Ngày 19/7, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip một đội kiểm tra liên ngành tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) xử phạt một thanh niên vi phạm Chỉ thị 16. Tuy nhiên, thái độ và lời lẽ mà cán bộ dành cho người vi phạm khiến nhiều người bức xúc.

Cụ thể, sự việc diễn ra vào chiều 18/7, anh T.V.E (công nhân làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía bắc TP Nha Trang) trong quá trình đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống (do quá đói) thì bị tổ kiểm tra liên ngành phường Vĩnh Hòa dừng xe kiểm tra.

Tại thời điểm đó, anh E xuất trình “giấy xác nhận yêu cầu công việc” do Công ty ký, tuy nhiên, đoàn kiểm tra liên ngành cho rằng anh E ra đường nhưng không có nhu cầu thiết yếu do “bánh mì không phải lương thực, thực phẩm thiết yếu”, nên đã tiến hành lập biên bản nộp phạt số tiền 1,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện xe máy và quay clip đưa lên mạng.

Trong quá trình xử lý, một thành viên trong đoàn kiểm tra xưng hô “mày, tao”, có lời lẽ không chuẩn mực đối với người vi phạm như “mày từ trên núi xuống phải không”. Cách xưng hô và lý lẽ của cán bộ này gây phản cảm, khiến nhiều người xem bức xúc.

Clip được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, phía cơ quan chức năng xác định, vị cán bộ trong đoạn clip có thái độ, ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người dân trong thực thi công vụ, gây bức xúc trong dư luận nhân dân là ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa.

Theo ông Nguyễn Sĩ Khánh Chủ tịch UBND TP Nha Trang, thành phố đã chỉ đạo phường Vĩnh Hòa trả lại xe và giấy tờ cá nhân cho anh E, đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh đối với tổ liên ngành phường Vĩnh Hòa phải rút kinh nghiệm, có cách hành xử phù hợp hơn với người dân. Đồng thời, nhấn mạnh quan điểm của thành phố là tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân, chỉ xử lý mạnh tay, xử phạt với các trường hợp chống đối, cố tình vi phạm.

Tại cuộc họp sáng 20/7, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu Thành ủy, UBND TP Nha Trang tiếp tục chỉ đạo xác minh làm rõ vụ việc, kiểm điểm, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ có liên quan theo đúng quy định, công khai thông tin để nhân dân biết, giám sát.

Đồng thời, địa phương coi đây là bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công vụ nói chung cũng như trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Nha Trang nói riêng.

Trước đó, khi clip được phát tán trên mạng xã hội, anh E đã bị Công ty cho nghỉ việc tạm thời, thanh toán số tiền lương và chế độ. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo từ UBND TP Nha Trang, anh E được trả lại xe và số tiền phạt, đồng thời được Công ty cho đi làm lại.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cũng nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để người dân và các cơ quan chức năng có căn cứ, hiểu biết rõ ràng về hàng hóa thiết yếu.

Đừng để những “điểm chạm” thổi bùng “ngọn lửa bức xúc”

Thuật ngữ “điểm chạm” thường xuất hiện trong lĩnh vực xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp khi tiếp xúc với khách hàng để xảy ra mâu thuẫn dẫn đến mất uy tín của doanh nghiệp. Mỗi “điểm chạm” ấy tuy nhỏ những tích tụ lâu ngày có thể trở thành cả một “tổ kiến lửa làm sụt toang đê vỡ”.

Ảnh minh họa: Dân Trí

Ảnh minh họa: Dân Trí

Đảng và Nhà nước luôn nêu cao khẩu hiệu “vì nhân dân phục vụ”, “chính quyền do dân và vì dân”, mỗi cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp xúc với nhân dân cần phải có trách nhiệm giữ gìn uy tín của cơ quan Nhà nước, đó phải chăng cũng là nhiệm vụ “xây dựng và phát triển thương hiệu” cho Đảng và Nhà nước?

Hơn ai hết, mỗi cán bộ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của chính mình là một “đại sứ nhân dân” để có những hành xử phù hợp thì những “điểm chạm bức xúc” đó mới dần được xóa bỏ, mang lại niềm tin tuyệt đối nơi nhân dân.

Rất may, sự việc nêu trên đã được lãnh đạo các cấp tỉnh Khánh Hòa xử lý kịp thời theo đúng quy trình, làm dịu dư luận, song đây cũng là một trong những câu chuyện “điển hình” làm buồn lòng, thậm chí có thể “giết chết” niềm tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, những người vốn được nhân dân ủy thác trách nhiệm, gửi gắm niềm tin. Không ít người xót xa nói lên quan điểm “cán bộ ở gần dân mà xa dân quá”!?

Một người công dân vì đói quá, khát quá giữa lúc dịch bệnh phức tạp phải mạo hiểm ra ngoài mua bánh mì và nước uống để có thể tiếp tục lao động, thay vì nhận được sự nhắc nhở và thông cảm lại phải bị đối xử bằng hình phạt và cách xưng hô mày tao thì quả thật là không thể không bức xúc.

Nếu không phải vô cảm và có vấn đề về phẩm chất đạo đức thì tại sao cán bộ không thể thông cảm bằng thái độ, cách ứng xử nhã nhặn với người dân trong khi cả xã hội đều biết rằng trong giai đoạn này, cuộc sống khó khăn, bệnh dịch nguy hiểm, người lao động nhất là thành phần thu nhập thấp đang khổ sở vật lộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chính vì thế mà ngoài kia, cộng đồng đang ngày đêm chung tay, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.

Việc người dân không nắm được quy định giãn cách xã hội, quy định mua hàng hóa thiết yếu có hoàn toàn là lỗi của người dân hay không? Những người thi hành nhiệm vụ tiếc gì một lời nói thuyết phục, giải thích, nhắc nhở thay vì mỉa mai “từ trên núi xuống phải không”? Rõ ràng, không gì có thể bào chữa cho cách ứng xử này.

Sự việc xảy ra không chỉ khiến dư luận xôn xao mà đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước rà soát, đánh giá lại công tác cán bộ các cấp đặc biệt là những cán bộ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, vì đây chính là điểm dễ xảy ra va chậm nhất với nhân dân.

Bên cạnh đó, chỉ khi sự việc lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, công luận, báo chí phản ánh thì sự việc mới nhanh chóng được giải quyết theo hướng “lấy dân làm gốc”, bởi lâu nay, sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chưa bao giờ là trò đùa. Làn sóng ấy mới đây cũng đã thổi bay hàng ngàn tỉ của một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán do tăng giá thực phẩm trong khi người dân khốn khổ vì dịch bệnh. Tinh thần đoàn kết của người tiêu dùng đã khiến uy tín và thương hiệu gây dựng nhiều năm phút chốc sụp đổ…

Điều này cho thấy, báo chí, giới truyền thông vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, là “thanh bảo kiếm” giúp “chữa lành các vết thương” nơi những cán bộ, Đảng viên chưa thực sự làm theo tinh thần của Bác Hồ căn dặn: Cán bộ, Đảng viên là “công bộc” của dân, là “đầy tớ” của nhân dân.

Đọc thêm