Đừng để “nhờn mặt” chuyện thu phí không dừng

(PLVN) - Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ GTVT, Công an, TT&TT, UBND các tỉnh thành, TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.
Thu phí không dừng là hình thức phát huy hiệu quả, lợi ích thiết thực

Khó có thể nhớ nổi đây là chỉ đạo lần thứ bao nhiêu của Chính phủ về câu chuyện này nhưng các đối tượng phải thực hiện vẫn chưa vào cuộc rốt ráo.

Quốc hội, Chính phủ, người sử dụng đã nhận thức thống nhất thu phí không dừng (ETC) là hình thức phát huy hiệu quả, lợi ích thiết thực; Bộ GTVT và các cơ quan liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần ưu tiên giải quyết. Thế nhưng theo báo cáo của Bộ GTVT, dù đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC, một số trạm vẫn chưa áp dụng, một số tuyến thì “một mình một chợ” đòi phương tiện phải sử dụng loại thẻ do mình dán chứ không dùng loại cả nước đang áp dụng.

Bộ GTVT cũng cho rằng, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng nên trong quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền; còn có lỗi từ tài xế, khi nhiều phương tiện chưa dán thẻ vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng; số lượng phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ chưa cao, mới có khoảng 50% số lượng phương tiện trên toàn quốc tham gia dịch vụ.

Thế nhưng sòng phẳng mà nói, có tình trạng trên là nguyên nhân sâu xa từ cơ quan chức năng, khi không kiên quyết bắt các chủ đầu tư phải thống nhất áp dụng một loại thẻ. Lỗi kỹ thuật nếu vẫn xuất hiện, là do chủ đầu tư và cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm. Đã có quy định phạt xe không dán thẻ đi vào làn ETC nhưng đã có ai bị phạt? Không nhận trách nhiệm về mình và không áp dụng quy định nghiêm nên chuyện “nhờn mặt” vẫn tồn tại là thế.

Trước thực trạng trên, Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC (chỉ phục vụ phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí ETC); phải tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông tối thiểu 3 tháng trước khi thực hiện và tổ chức phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT, UBND các tỉnh thành chỉ đạo nhà đầu tư các dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ ETC khẩn trương lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng đối với các làn thu phí còn lại; đảm bảo mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp. Việc này phải hoàn thành trong quý I/2022.

Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu đảm bảo đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí ETC.

Những mục tiêu nêu trên chắc chắn sẽ thực hiện được nếu Chính phủ quyết tâm đóng những trạm không chấp hành, kiên quyết xử phạt xe không thẻ mà vẫn nhởn nhơ đi vào làn ETC gây ách tắc.

Đọc thêm