Đừng để phim Việt “lạ lẫm” với người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi một bộ phận nhà làm phim đang nỗ lực “Việt hóa” sản phẩm điện ảnh thì có nhiều bộ phim Việt khiến người xem liên tục “nhặt sạn” vì những lệch pha về văn hóa.
Đừng để phim Việt “lạ lẫm” với người Việt

Những “hạt sạn” văn hóa

Một “hạt sạn” rất hay gặp trong nhiều phim điện ảnh lẫn truyền hình Việt Nam, đó là phương ngữ. Không hiểu lý do vì sao, có những bộ phim làm rất chỉn chu, đầu tư tốt, nhưng vẫn để cho sự vô lý diễn ra: Cùng trong một gia đình, người nói tiếng miền Nam, người nói tiếng miền Bắc, người lại tiếng miền Trung. 

Như bộ phim “Gái già lắm chiêu phần V” mới công chiếu. Bộ phim quả thật đã có thành công đáng kể khi được khán giả đón nhận khá nhiệt tình. Bối cảnh đẹp, phục trang, âm nhạc, dàn diễn viên… đều được đầu tư công phu. Nhưng ngoài những “hạt sạn” đến từ logic phim, khán giả cũng băn khoăn với câu hỏi: Vì sao một gia đình có ba chị em gái sống với nhau từ nhỏ, nhưng ba người nói ba ngôn ngữ địa phương khác nhau: Người nói giọng đậm chất Huế, người nói giọng thị thành Sài Gòn, người còn lại thì “đích thị” chất giọng Hà Nội? 

Có thể bắt gặp tình huống này trong không ít phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam. Có bộ phim, cũng cùng là người nhà, nhưng anh chị nói giọng miền Nam, em gái lại giọng miền Trung. Hay phim bối cảnh Việt Nam xưa nhưng lại giọng nói các vùng, miền lẫn lộn.

Ở những phim điện ảnh trong những năm gần đây, có thể thấy sức ảnh hưởng của văn hóa phương Tây khá lớn. Nhiều bộ phim khi xem, khán giả có cảm giác… đang xem diễn viên Việt Nam đóng phim nước ngoài.

Cách đây vài năm, phim “Em chưa 18” công chiếu, dù đem lại doanh thu “khủng”, được khen ngợi vì kịch bản hay, nhưng vấn đề về văn hóa học đường được đặt ra: Liệu “học đường” trong bộ phim có thực là “học đường” của Việt Nam, khi học sinh “quậy” kiểu “rất Mỹ”, và các màn tiệc tùng, ăn chơi cũng lạ lẫm với đa số người Việt?

Hay phim “Hồn papa da con gái” có tình tiết một nữ sinh hút thuốc lá điện tử, uống rượu tại trường rồi nôn lên người thầy giáo, một mô típ dễ bắt gặp trong các phim học đường Hollywood.

Trong phim “Thiên thần hộ mệnh” mới công chiếu gần đây, khán giả cũng bày tỏ sự “hoang mang” khi màu sắc của phim là một Việt Nam cực kì lạ lẫm với những pha ứng xử của nhân vật đậm chất “ngoại quốc”. 

Những năm gần đây, nhiều phim Việt cũng thịnh hành kiểu “đám cưới Tây”, hễ đám cưới sẽ làm lễ tại nhà thờ với những câu hỏi đáp mang màu sắc vừa tôn giáo vừa lãng mạn như thường thấy trong phim Hàn Quốc... Cạnh đó, nhiều nghề nghiệp thực chất chỉ có ở các quốc gia khác cũng được nhiều đạo diễn “bê” về phim Việt.

Tìm về văn hóa Việt

Còn nhớ câu chuyện “dùng chó Shiba đóng vai cậu Vàng” trong bộ phim “Cậu Vàng”. Đáng ra, nếu đạo diễn có sự thay đổi phù hợp từ khi nhân vật “cậu Vàng” được hé lộ, bộ phim có lẽ đã tránh được cái mác “lai căng”, không bị tẩy chay và có lẽ sẽ không phải thất bại về mặt doanh thu lẫn truyền thông như thế. 

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cắt bỏ những tình tiết “lai căng”, những “hạt sạn” về văn hóa thì những bộ phim ấy vẫn giữ nguyên được mạch phim, thậm chí có thể làm tăng giá trị của bộ phim lên nhiều lần. Những chi tiết lạc lõng đôi lúc có thể khiến bộ phim hay mất đi sự trọn vẹn, mà đáng ra, nếu chỉn chu, người làm phim hoàn toàn có thể tránh được.

Những năm gần đây, có thể nhận thấy tinh thần dân tộc trong điện ảnh Việt khá cao. Điều này đến từ ý thức của người làm phim và cũng đến từ xu thế của khán giả. Từ những bộ phim như “Cô ba Sài Gòn”, “Mẹ chồng”, cho đến phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Tấm Cám”, “Song Lang”, “Mắt biếc”, “Trạng Tí”… đều có thể thấy được sự gửi gắm mong muốn đưa văn hóa Việt vào điện ảnh của các nhà làm phim. 

Trong những bộ phim ấy là cảnh sắc làng quê Việt tươi đẹp, là những câu chuyện cổ gắn bó với người Việt từ bao đời, là nghệ thuật cải lương, di sản văn hóa Việt, là một giai đoạn lịch sử đã qua nhưng vẫn còn dấu ấn đến hôm nay.

Người làm phim có ý thức hướng về văn hóa Việt và khán giả cũng đón nhận với sự trân trọng, nhiệt tình. Như hai bộ phim doanh thu “trăm tỉ” mới đây của điện ảnh Việt là “Bố già” và “Lật mặt - 48h”, có thể thấy rõ điều này.

Phim “Bố già” ngoài cốt truyện hấp dẫn, điểm nhấn chính là vẻ đẹp tình người trong các con hẻm, khu lao động nghèo - một “đặc sản” văn hóa của Sài Gòn. Còn trong serie phim “Lật mặt”, đạo diễn Lý Hải khá thông minh khi mỗi phần phim lại mang đến nét đẹp của một vùng quê Việt Nam, khi thì Tây Nguyên bát ngát, mới nhất là khung cảnh miền Tây sông nước thơ mộng với nét đẹp văn hóa, lối sống người Nam Bộ làm mãn nhãn người xem. 

Một cuộc so sánh nhỏ qua hành trình điện ảnh Việt để thấy rằng, giữa hai cách làm, đâu là lựa chọn tối ưu. Người làm phim không chỉ nhằm mục đích đem lại danh vọng và tiền bạc cho chính mình, mà còn có sứ mệnh đem những giá trị văn hóa, đời sống tốt đẹp lan tỏa trong tác phẩm điện ảnh.