Đừng giải thích tùy tiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Câu chuyện Bộ Công Thương phải lên tiếng giải thích về một chỉ thị mà lãnh đạo Bộ này mới ban hành gần đây, cho thấy công tác ban hành văn bản pháp luật còn cần phải chú trọng hơn nữa về mặt nội dung để dễ hiểu, dễ áp dụng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký và ban hành Chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; trong đó có nội dung “kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác”.

Sở dĩ có nội dung này, vì trước đó tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP HCM, khi xuất hiện tình trạng một số cây xăng thiếu hàng, đã xuất hiện hàng loạt điểm bán xăng lẻ tự phát ngoài lòng, lề đường. Một số người xếp hàng mua xăng, sau đó sang chiết lại vào các chai thủy tinh, can nhựa bán với giá cao hơn cho những người chạy xe không đủ kiên nhẫn xếp hàng mua xăng.

Xét về góc độ đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy thì hành vi bán xăng tự phát là cực kỳ nguy hiểm. Nhưng cũng có những ý kiến lập luận vì cơ quan quản lý điều tiết xăng dầu không làm tốt vai trò của mình, mới xảy ra tình trạng thiếu xăng, mới xảy ra chuyện xuất hiện những “cây xăng vỉa hè” như vậy. Còn có băn khoăn vậy người mua xăng tại những điểm tự phát như vậy có vi phạm pháp luật không?

Đại diện Bộ Công Thương sau đó phải lên tiếng giải thích, cho biết rằng pháp luật không có điều khoản nào cấm người dân mua xăng bằng chai, can và đặc biệt, một số phương tiện truyền thông dẫn lời cán bộ Bộ Công Thương, cho rằng quy định nêu trên “chỉ áp dụng với cây xăng (thương nhân kinh doanh xăng dầu)”.

Giải thích như trên, có vẻ càng không hợp lý. Như vậy, một số cá nhân tự sang chiết xăng mang ra vỉa hè bán cũng không bị cấm? “Chợ xăng dầu tự phát” là không vi phạm pháp luật?

Khoản 2 Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định rõ: “Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác; trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND cấp tỉnh cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó”.

Về đối tượng áp dụng, khoản 1 Điều 2 Nghị định này quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ”. Như vậy, không thể nói khoản 2 Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP “chỉ áp dụng với cây xăng (thương nhân kinh doanh xăng dầu)” mà tất cả những ai tự ý sang chiết xăng dầu mang bán đều có thể bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Luật là luật, không ai có thể suy diễn tùy tiện.

Đọc thêm