Không ít ý kiến phê phán những hình ảnh đó, nhiều người không ủng hộ một tiệc chia tay quá “hoành tráng” như vậy hay những cái hôn rất “người lớn” của các em.
Trước nay, khi kết thúc năm học và một khóa học sinh ra trường đều là những dấu ấn khó quên trong cuộc đời mỗi người. Cành phượng đỏ vẫy gọi mùa hè và tượng trưng cho các cuộc chia tay tuổi học trò còn cháy mãi với thời gian bình dị, sâu sắc, quyến luyến và cũng rất thơ mộng cho hành trình tương lai phía trước.
Không biết tự bao giờ, người ta tổ chức các lễ bế giảng một cách trọng thể, bất chấp chất lượng giáo dục của một cấp đào tạo ra sao. Lạ lùng là các cháu “tốt nghiệp mầm non” mà khoác lên người bộ lễ phục tiến sỹ và sự lạ lùng đó dường như lại thành phổ biến.
Hay có vị hiệu trưởng trường đại học còn vận trang phục lạ, cầm quyền trượng xuất hiện như vua chúa thời xưa. Thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng đó là “văn hóa mới” và thi nhau làm.
Thành tích “ảo” song hành với sự phô trương hình thức dường như đang thịnh hành trong nền giáo dục của chúng ta. Điều này chỉ gây tốn kém, lãng phí, kích thích sự hư danh và hư vinh, khiến lớp trẻ có thể chạy theo những giá trị ảo!
Có lẽ từ khi có mạng xã hội, người ta mới càng nhận ra có rất nhiều người viết sai chính tả một cách trầm trọng. Cái đó phần nào phản ảnh việc dạy và học trong nhà trường và thái độ đối với chuẩn mực chữ viết và cả trình độ học vấn (thực sự) của từng người.
Đó là những “hạt sạn” trong bát cơm tinh thần, gây sự phản cảm khó chịu.
Các hiện tượng trên phần nào phản ánh một não trạng coi thường các chuẩn mực, muốn phá cách và thể hiện cái tôi cá nhân “phi truyền thống”. Nếu coi đây là những việc nhỏ, bỏ qua thì dễ tạo môi trường cho sự xâm thực văn hóa, mà cụ thể ở đây là chữ viết, vốn được coi trọng “nét chữ, nết người” hoặc cao hơn và xa hơn, một thời chữ viết được coi “thánh hiền”!