Đừng vì ít giây lơ là mà tạo điều kiện cho tin tặc gây án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức mới đây, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm mạng diễn ra rất phức tạp.
Trung tướng Tô Ân Xô. (Ảnh: Vietnamnet).
Trung tướng Tô Ân Xô. (Ảnh: Vietnamnet).

Chỉ riêng quý I năm 2024, Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng. Riêng tháng 3/2024, phát hiện hơn 7 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng; tăng 6% so với tháng trước.

Thời gian qua, hệ thống mạng của một số cơ quan, tổ chức, DN bị tấn công, đánh cắp dữ liệu. Bộ Công an cũng phát hiện nhiều dữ liệu có nội dung bí mật đã bị đánh cắp. Một vụ việc nghiêm trọng mới đây nhất, là ngày 24/3, hacker kích hoạt mã độc tống tiền tấn công một Cty môi giới chứng khoán, gây sụp đổ hệ thống phục vụ các nhà đầu tư.

Thực tế trên cho thấy, với đặc điểm kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam đã và đang trở thành mục tiêu của nhiều nhóm tin tặc không chỉ trong nước, mà cả quốc tế. Thậm chí một số tin tặc nước ngoài đang nhìn Việt Nam như một “miếng mồi béo bở”. Thay vì thường chỉ nhắm vào các ngân hàng như trước đây, vụ tin tặc tấn công vào Cty môi giới chứng khoán mới đây cho thấy ai cũng có thể trở thành nạn nhân.

Số người dùng điện thoại thông minh, tham gia mạng xã hội ở Việt Nam rất lớn. Đó cũng có thể là mục tiêu bị tin tặc tấn công, là nạn nhân “tiềm tàng”. Không ít nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng, cá biệt có người bị mất đến hàng trăm tỷ đồng.

Tất nhiên, không chỉ ở Việt Nam, mà tin tặc là vấn nạn đang xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới. Vì vậy, tại cuộc họp báo nêu trên, Người phát ngôn Bộ Công an một lần nữa đề nghị các cơ quan, đơn vị, DN tăng cường công tác bảo đảm an ninh, bảo vệ hệ thống mạng; đồng thời mong muốn người dân tham gia tố giác tội phạm, không tin, không nghe, không làm theo những hướng dẫn, yêu cầu quá chi tiết qua điện thoại, tránh bị lừa đảo. Một số nguyên tắc cơ bản, là không tùy tiện nhập mật khẩu cá nhân của mình vào những trang website lạ, không có ký hiệu “s” ở sau chữ http. Bởi đây là các website không an toàn, không chính thống, khả năng bảo mật thông tin không cao. Thông tin về mật khẩu là dữ liệu cá nhân quan trọng, nên để lộ càng ít, càng an toàn.

Ngay từ năm 2018, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng (Luật số 24/2018/QH14) và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Chúng ta cũng đã có các cơ quan chuyên trách đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng. Luật An ninh mạng đã xác định rõ trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân; kể cả các đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị; cá nhân sử dụng không gian mạng. Nền tảng pháp lý đã có, điều quan trọng hiện tại là mỗi người dân cần nâng cao ý thức; cảnh giác trước những đề nghị yêu cầu trên mạng; đừng vì ít giây lơ là mà tạo điều kiện cho tin tặc gây án.

Đọc thêm