Nguyên Giám đốc Cty Halico bị xử về tội danh nhẹ hơn so với truy tố của Viện kiểm sát nhưng khẳng định “sẽ kháng cáo”.
Sẽ kháng cáo vì không muốn “bỏ lọt tội phạm”
Bị coi là người khởi xướng, điều hành, bị cáo Hoàng Văn Xưởng (SN 1971, Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân) bị xử phạt 48 tháng tù về tội “Trốn thuế”. Là đồng phạm với Xưởng, các bị cáo Định Thị Minh Hoa (vợ Xưởng); Nguyễn Thị Thủy (nhân viên Agribank); Nguyễn Thị Quỳnh Trang (chuyên viên Phòng Phát triển thị thường Halico); Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên Cán bộ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội) bị xử phạt từ 20 đến 30 tháng tù (cho hưởng án treo).
Riêng đối với bị cáo Hồ Văn Hải (nguyên Giám đốc Cty Halico), HĐXX đã xử phạt bị cáo này 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì cho rằng bị cáo này không có động cơ vụ lợi, không có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như Cáo trạng truy tố.
Trao đổi với phóng viên sau phiên tòa, bị cáo Hải cho hay: “Tôi rất đồng ý với việc HĐXX sơ thẩm đã khẳng định tôi không có động cơ vụ lợi trong vụ án này, bác bỏ quy kết về việc tôi được ăn chia trong vụ trốn thuế này. Tôi và Công ty đã ban hành và thực hiện nghiêm các quy trình, các biện pháp chống gian lận trong xuất khẩu như phân công trách nhiệm, đánh ký hiệu riêng, buộc khách hàng nộp tiền đặt cọc... nên không thể nói là tôi thiếu trách nhiệm. Tôi tin tưởng vào cấp dưới, mong muốn bán được hàng, vì sự phát triển của Công ty. Rất tiếc, tôi đã bị cấp dưới, mà trực tiếp là anh Nguyễn Hồng Tiến (nguyên Phó phòng Phòng Phát triển thị trường của Halico) và bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Trang lợi dung, tạo điều kiện cho Cty Hoàng Lân trốn thuế. Chính vì vậy, tôi sẽ kháng cáo bản án này để Tòa cấp phúc thẩm đánh giá lại mức độ lỗi của tôi có đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cũng như xem xét lại việc CQĐT đã “đình chỉ điều tra” (miễn truy cứu trách nhiệm hình sự) với anh Tiến này về tội “Trốn thuế”, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội”.
Tòa đã từng khẳng định “bỏ lọt tội phạm” đối với Nguyễn Hồng Tiến
Liên quan đến hành vi của anh Hoàng Văn Tiến, Cáo trạng của VKSND Tối cao trước đây đã nêu rõ, khoảng tháng 10/2010, để tránh việc các đại lý phát hiện rượu xuất khẩu (có ký hiệu riêng trên nắp chai và vỏ thùng) được tiêu thụ ở trong nước, Xưởng đã gặp và Trang tại quán cà phê 84 Lò Đúc (Hà Nội) để bàn bạc thống nhất: Trang cùng Hoa lo thủ tục giấy tờ xuất khẩu rượu và được chia 7.500đ/thùng rượu xuất khẩu; Tiến được chia 22.000 đ/thùng và chịu trách nhiệm quan hệ với các phòng, ban của Halilo để giải quyết vướng mắc (nếu có). Thực hiện thỏa thuận này, Halico đã tiếp tục ký 2 hợp đồng và xuất 36 hóa đơn GTGT bán cho Cty Hoàng Lân hơn 73.000 thùng rượu các loại và Nguyễn Hồng Tiến đã nhận từ Đinh Thị Mai Hoa 540 triệu đồng.
Với hành vi trên, Nguyễn Hồng Tiến đã bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, rồi chuyển sang tội “Trốn thuế”. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014 thì anh Tiến đã được CQĐT “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Tại Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vào tháng 9/2015, TAND TP Hà Nội đã nêu rõ, việc thay đổi quyết định khởi tố bị can, sau đó đình chỉ điều tra đối với Nguyễn Hồng Tiến là bỏ lọt tội vì: “Nguyễn Hồng Tiến với chức vụ Phó phòng Phát triển thị trường của Halico có quyền trong theo dõi việc tiêu thụ rượu trên thị trường. Mặc dù biết Xưởng và Hoa mua rượu xuất khẩu bán trong thị trường nội địa để trốn thuế kiếm lời nhưng vì vụ lợi cá nhân, Tiến đã lợi dụng quyền hạn của mình, làm trái công vụ, tạo điều kiện (tiếp tục bán rượu xuất khẩu, duy trì, không phát hiện) cho Xưởng - Hoa trốn thuế và nhiều lần nhận tiền của Hoa (được hưởng lợi nhiều lần, theo hóa đơn những lần xuất hàng). Tổng cộng, Tiến được hưởng khoảng 450 triệu đồng. Như vậy, hành vi của Tiến có dấu hiệu về tội tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…
Từ những lý do trên, TAND TP Hà Nội trả hồ sơ cho VKSND TP Hà Nội để điều tra bổ sung, xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Quỳnh Trang về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với tình tiết định khung “phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, sau đó, cơ quan công tố vẫn không thay đổi quan điểm “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với Nguyễn Hồng Tiến.
Tại các phiên tòa sau đó, bị cáo Hải và luật sư bào chữa đều cho rằng việc “miễn truy cứu” đối với anh Tiến như trên là “lọt tội”, đẩy trách nhiệm chính của vụ án sang cho bị cáo Hải.
Về việc cấp Giấy giới thiệu (GGT) để làm thủ tục xuất khẩu rượu, bị cáo Hải cho biết, ngày 27/8, khi nhận được đơn hàng của Doanh nghiệp Lê Thị Hải (Lào), Halico đã thực hiện đúng quy trình, quy chế bán hàng xuất khẩu trực tiếp. Nhân viên Nguyễn Thị Quỳnh Trang được phân công áp tải hàng đến cửa khẩu để hỗ trợ khách hàng làm thu tục hải quan. Do thực tế là muốn làm thủ tục nhanh phải có sự quen biết nhận viên hải quan nên chị Trang đã đề xuất để trống GGT để khi đến cửa khẩu thì ghi tên người có mối quan hệ vào sau (còn phần cuống lưu GGT vẫn ghi tên Trang). Tuy nhiên, Trang đã không thực hiện áp tải hàng đi cửa khẩu theo sự phân công của Cty và sau đó, lực lượng chức năng phát hiện là conteiner không có hàng.
Sai phạm trong việc đề xuất Giám đốc ký GGT để trống, trong việc không trực tiếp áp tải hàng, làm thủ tục hải quan đã được chị Trang giải trình và kiểm điểm với công ty. Việc chị Trang không thực hiện hết trách nhiệm của mình là nằm ngoài ý muốn, ngoài tầm kiểm soát của Giám đốc. Hơn nữa, nếu chị Trang đã cố tình trốn thuế thì dù tôi có ký GGT đúng tên chị Trang thì chị Trang càng có điều kiện thực hiện được ý định của mình. Vả lại, chuyến hàng mà có GGT để trốn chỉ là 2.000 thùng rượu- là số lượng rất nhỏ so với lượng hàng trốn thuế trong vụ án.