Đường bê tông không đầu, không cuối vẫn được… “bàn giao sử dụng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Thôm Mòn (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) dù đã đầu tư xây dựng, bàn giao và “đưa vào sử dụng” nhưng sau gần 3 năm vẫn chỉ là đoạn đường bê tông không đầu, không cuối.
Tuyến đường bê tông vào bản Phé (Thôm Mòn) đã “đưa vào sử dụng” nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện đoạn đầu, đoạn cuối.
Tuyến đường bê tông vào bản Phé (Thôm Mòn) đã “đưa vào sử dụng” nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện đoạn đầu, đoạn cuối.

Đó là dự án đường bê tông nông thôn vào bản Phé (xã Thôm Mòn) thuộc công trình giao thông cấp IV, do Ban Quản lý (BQL) đầu tư xây dựng huyện Thuận Châu làm chủ đầu tư, với mức đầu tư gần 1,1 tỷ đồng, khởi công xây dựng năm 2019.

Người dân từng rất kỳ vọng công trình không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn là điểm nhấn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo đề án nông thôn mới tại địa phương.

Tuy nhiên, “niềm vui ngắn tày gang” khi con đường chỉ thi công đoạn giữa, không thi công điểm đầu, điểm cuối, nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Gần 3 năm qua người dân chỉ biết “hóng” con đường chưa hẹn ngày hoàn chỉnh.

Ông Lường Văn Chung, Trưởng bản Phé cho biết, khi công bố dự án, người dân rất hồ hởi, vui mừng, đồng tình đóng góp tiền bạc (khoảng 10% chi phí), hiến đất để mong mỏi con đường sớm hoàn thành cho việc đi lại đỡ vất vả, học sinh thuận lợi đến trường.

Nhưng nhiều năm qua đường vẫn dang dở, nằm giữa cánh đồng, ai ai cũng xót xa vì sự bất hợp lý trong triển khai dự án.

Tại điểm cống bắc qua suối đã bị nứt vỡ, hư hỏng nặng.

Tại điểm cống bắc qua suối đã bị nứt vỡ, hư hỏng nặng.

Theo ghi nhận, đoạn đường bê tông giữa cánh đồng rộng khoảng 2m, chiều dài hơn 300m, hai đầu nối vẫn là đường đất. Chất lượng công trình cũng có vấn đề. Tại điểm cống bắc qua suối, một số vị trí đã bị nứt vỡ, hư hỏng. Mỗi khi vào mùa mưa, nước lũ từ đầu nguồn dồn về, chảy xiết, cống bị tắc, nước tràn vào ruộng cuốn trôi hoa màu, làm nhiều nông dân mất thu nhập.

Trong các cuộc họp, cử tri đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương hoàn chỉnh con đường. Những người đi trên đường này, nếu gặp mưa lũ, thì chuyện bị ngã xuống suối “ướt như chuột lụt” là chuyện thường.

Nói về sự việc, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc BQL đầu tư xây dựng huyện Thuận Châu lại cho rằng đường này “đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng từ 2019”.

Về hiện trạng con đường chưa được đấu nối điểm đầu và cuối, ông Quang lý giải do một phía đầu tuyến chồng vào dự án đường giao thông nông thôn khác đã được phê duyệt từ 2015. Lý giải về những bất cập của công trình trên, ông Quang nói: “Do vốn nhà nước có hạn nên chỉ làm được như vậy thôi. Với đoạn cống bắc qua suối, chỉ là công trình tạm chứ không phải là công trình vĩnh cửu…”.

Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng, chỉnh trang hoàn thiện hạ tầng nông thôn, đặc biệt với địa phương miền núi như Sơn La là cấp thiết và phải đặc biệt chú trọng tới chất lượng, mục tiêu đạt hiệu quả. Như công trình đường giao thông nông thôn bản Phé có ý nghĩa đặc biệt với người dân địa phương, còn có tính chất là Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhận được sự đồng thuận và mong mỏi của nhân dân. Thế nhưng, với những bất cập tồn tại như trên, hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về cách quản lý đầu tư xây dựng các công trình công ích tại địa phương này.

Được biết, hiện thị trấn Thuận Châu (huyện Thuận Châu) đang thi công xây dựng công trình Nâng cấp, cải tạo đường phố 23/8, với mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng, cũng do BQL đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư. Nhưng tại điểm thi công gần Trung tâm hội nghị huyện, hiện đang xây kè chắn có chiều dài khoảng 72m. Tại vị trí này, trước đó không lâu đã xây dựng một đoạn kè chắn song song với tường mới, cách nhau khoảng 2m, với chi phí hàng trăm triệu đồng.

Một số dự án do BQL đầu tư xây dựng huyện Thuận Châu làm chủ đầu tư có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo mục đích đầu tư, vừa lãng phí ngân sách.

Một số dự án do BQL đầu tư xây dựng huyện Thuận Châu làm chủ đầu tư có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo mục đích đầu tư, vừa lãng phí ngân sách.

Sự việc này khiến dư luận đặt ra câu hỏi hiện nguồn ngân sách của địa phương không dồi dào. Lẽ ra cần khảo sát, tính toán phương án sao cho sử dụng hiệu quả kinh phí Nhà nước, tận dụng công năng các công trình cũ. Tại sao kè chắn của hội trường vừa được thi công năm 2020, chỉ một năm sau lại xây kè mới và lấp kè cũ, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước? Trách nhiệm này thuộc về ai?

Đọc thêm