Truyền thông… “làm chứng”!
Như PLVN đã thông tin, chỉ hai ngày sau lễ thông xe tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì tại Km83 của con đường trị giá hơn 1,4 tỷ USD đã bị nứt toác kéo dài hơn 70 mét. Sự kiện này chẳng khác nào chiếc áo trắng mới may bị dính mực nên người dân, báo chí và đặc biệt là giới chuyên gia kỹ thuật cầu đường hết sức quan tâm, đặt nhiều câu hỏi.
Chủ đầu con đường - VEC trong một thông cáo báo chí phát đi hôm 24/9 đã kết luận nguyên nhân nứt đường tại địa điểm nói trên là do nền “đất yếu”, và điều đó theo VEC là đã “tiên lượng trước, đã lắp dựng biển theo dõi đất yếu/lún tại Km82+500 - Km83+500”. Tiếp đó, VEC còn dẫn ra một số nguyên nhân khách quan khác như mưa, bão (bão số 3, số 4 vừa qua)… để giải thích thêm cho sự cố vừa nêu.
Cũng theo chủ đầu tư, vị trí vết nứt mặt đường tại Km83 là một trong 10 đoạn xung yếu trên toàn tuyến, trước khi thông xe đã được chủ đầu tư tổ chức họp báo công bố công khai, minh bạch vào ngày 17/9/2014. Đồng thời, chủ đầu tư còn cho biết báo chí cũng được bố trí đi thực tế tại các điểm chờ lún để quan sát.
Với cách lý giải như vậy, VEC dường như đang muốn chứng minh mình không có trách nhiệm hoặc đã làm hết trách nhiệm vì đã cắm biển cảnh báo đoạn đường đang theo dõi lún trước khi đưa vào vận hành khai thác, và theo VEC, điều đó đã có truyền thông “làm chứng”?
Tuy nhiên, lý giải của VEC ngay lập tức vấp phải phản ứng của giới chuyên môn. Cụ thể, mới đây trả lời báo chí, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã phát biểu: “Tôi không đồng tình việc cắm biển “chờ lún” ở đường cao tốc, và theo dõi lún căn cứ vào điều gì? Nếu chúng ta biết được nền đất ở đó yếu thì chúng ta phải chọn giải pháp xử lý để kiểm soát được độ lún và tốc độ lún, chứ không phải là cắm biển…”.
Tổng Giám đốc VEC đang ở đâu?
Khác với những tuyên bố khá vội vàng và được cho là để né tránh phần nào trách nhiệm từ chủ đầu tư, những ngày gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với con đường này đã lần lượt lên tiếng.
Cụ thể, Bộ Xây dựng - nơi có cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo VEC khẩn trương khảo sát, xác định rõ nguyên nhân; đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và tuổi thọ của công trình.
Còn Bộ GTVT trong một văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng rất thận trọng khi đề cập đến nguyên nhân. Theo đó, Bộ này báo cáo: “Đã chỉ đạo chủ đầu tư trước mắt xử lý vết nứt để chống thấm nước và xử lý lún bằng bù phụ mặt đường, tạo sự êm thuận trong quá trình khai thác, đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối, trong thời gian tới tiếp tục khảo sát, quan trắc tìm hiểu nguyên nhân chính xác để xử lý triệt để theo đúng thiết kế...”.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo PLVN đã liên hệ với với ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC để làm rõ vì sao chủ đầu tư dám nói nguyên nhân gây nứt đường là do “đất yếu” trong khi Bộ GTVT - cơ quan chủ quản của VEC sau đó lại nói đang “tiếp tục khảo sát, quan trắc tìm hiểu nguyên nhân”, nhưng người đứng đầu VEC đến nay vẫn chưa phản hồi.
Thực tế cho thấy, suốt gần một tuần sau khi xảy ra sự cố trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, những người có thẩm quyền ở VEC không biết đang ở đâu mà chưa thấy xuất hiện để giải thích, trao đổi với công luận về sự cố bất thường này. Những gì báo chí có được là một bản thông báo với những thông tin một chiều, không có sự phản biện, giải thích do chủ đầu tư phát đi.
Bộ GTVT nói “bất thường”, VEC coi bình thường
Trong khi VEC dẫn ra một loạt lý do về địa chất, thời tiết… như để chứng minh cho sự cố rạn nứt đường tại Km83 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là chuyện bình thường, khó tránh khỏi thì trong một văn bản hỏa tốc báo cáo Thủ tướng cuối tuần qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Vị trí vết nứt mặt đường tại Km83 (với chiều dài 73m) là một trong 10 đoạn xung yếu trên toàn tuyến. Tuy nhiên, vết nứt tại mặt đường Km83 tương đối lớn là bất thường. Sự tréo ngoe này khiến dư luận không biết tin vào đâu.