Đối với nhóm bị cáo là chủ cây xăng, tòa xác định có vai trò đồng phạm giúp sức với hai đối tượng cầm đầu nên căn cứ vào mức độ vi phạm đã tuyên: phạt tiền, án treo, đúng thời gian bị tạm giam hoặc đến 15 năm tù. Trong đó, Nguyễn Hữu Tứ bị phạt 15 năm tù, người tình của bị cáo là Trần Ngọc Thanh bị phạt 6 năm tù. Riêng cựu cán bộ hải quan Ngô Văn Thụy bị phạt 15 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên tịch thu 17 tàu thủy (2 tàu của Viễn, 4 tàu của Hữu, 3 tàu của Tứ, 4 tàu của Trần Thị Thanh Vân, 2 tàu Lê Thanh Trung và 2 tàu Nguyễn Minh Đức); 22 xe bồn, 3 ôtô, 2 xe máy; 63 điện thoại di động; huỷ bỏ kê biên 40 thửa đất...
Theo HĐXX, hành vi buôn lậu của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp tác động xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu; gây rối loạn thị trường; làm thất thu ngân sách Nhà nước; tác động lớn đến người dân vì xăng pha hóa chất sẽ làm giảm tuổi thọ động cơ...
Công an khám nghiệm ụ nổi giữa sông Hậu qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long. |
Bị cáo Hữu, Viễn và Đức là chủ mưu vụ án, đã bàn bạc mua số lượng lớn xăng bất hợp pháp từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn. Hành vi phạm tội của các bị cáo có tổ chức, diễn ra trong thời gian dài (tháng 3/2020 - 2/2021)... nên cần xử lý nghiêm để răn đe.
HĐXX cũng ghi nhận các bị cáo đã thành khẩn, hợp tác điều tra, tự nguyện nộp một phần tiền thu lợi bất chính, hầu hết đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự... nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
HĐXX đánh giá tình trạng gian lận, buôn lậu xăng dầu thời gian qua rất tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng an ninh năng lượng. Việc thu lợi rất cao từ hành vi này đã kích thích nhiều người tham gia phạm tội, đặc biệt là qua đường biển với số lượng cực lớn.
"Bên cạnh sự liều lĩnh của các bị cáo, nguyên nhân còn đến từ sự bất cập trong quản lý Nhà nước đối với xăng dầu. Nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia quản lý mặt hàng này nhưng thiếu quy chế phối hợp, nhiệm vụ của từng ngành nên xảy ra tình trạng quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả", bản án nêu. Qua đó, HĐXX kiến nghị các cơ quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát; thay đổi mức xử phạt hành vi buôn lậu, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, xác định công tác của từng ngành tránh kiểm tra chồng chéo.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm Phan Thanh Hữu và Viễn đã dùng tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn) vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng về Việt Nam. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 156 tỷ.
Ngoài việc hợp tác với Hữu, cuối năm 2020, Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
Các đối tượng được đưa về trại giam sau khi tòa tuyên án. |
Phiên tòa sơ thẩm kéo dài từ hôm 25/10 đến nay dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát; có tổng cộng gần 100 luật sư; 53 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 43 người làm chứng...
Quá trình xét xử, tất cả bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Với một số mâu thuẫn trong lời khai, HĐXX nhận định các lập luận cáo buộc của VKS là có căn cứ. Như số tiền mà Đào Ngọc Viễn thu lợi bất chính là 46 tỷ đồng đã được làm rõ từ lời khai của Viễn và đối chứng với các bị cáo khác; căn cứ vào tài liệu, chứng từ sổ sách thu thập được.
Tòa cũng bác đề nghị của Viễn về việc trả lại 2 tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn), bởi 2 tàu này luân chuyển xăng lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, đủ cơ sở xác định đây là tang vật phạm tội nên phải sung công quỹ...
Trước đó, quá trình xét xử, Hữu, Viễn và đồng phạm hầu hết thừa nhận hành vi sai phạm, song đề nghị VKS, HĐXX xem xét lại số tiền thu lợi bất chính. Trong đó, bị cáo Hữu cùng LS đưa ra nhiều lập luận cho rằng chỉ tiêu thụ khoảng 127 triệu lít, thu lợi khoảng 63 tỷ đồng chứ không phải 156 tỷ, do phải chi trả nhiều loại phí, trong đó có phí lót tay cho các cán bộ hải quan, bộ đội biên phòng... Còn Viễn nói mình thu lợi khoảng 36 tỷ đồng chứ không phải 46 tỷ do tiền chiết khấu thực chất chỉ 1.500 đồng một lít chứ không phải 2.000 đồng một lít.
Tuy nhiên, VKS cho rằng, các tài liệu trích xuất, sao kê số tiền giao dịch, lời khai của các bị cáo... có đủ cơ sở kết luận Hữu, Viễn và đồng phạm đã thực hiện hành vi và thu lợi bất chính như cáo buộc. Theo VKS, việc truy tố đã xem xét theo hướng "có lợi" cho các bị cáo.
Tại tòa, các bị cáo cũng có một số lời khai mâu thuẫn với quá trình điều tra về số tiền góp vốn, thu lợi bất chính, hay vai trò tham gia trong đường dây... Tuy nhiên, những mâu thuẫn này đều đã được VKS, HĐXX làm rõ.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án trong phần luận tội, đại diện VKS xác định bị cáo Hữu, Viễn và Nguyễn Minh Đức là những người có vai trò chủ mưu, đã bàn bạc mua số lượng lớn xăng bất hợp pháp từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn. "Hành vi phạm tội của các bị cáo có tổ chức, diễn ra trong thời gian dài, trực tiếp tác động xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu; gây rối loạn thị trường; làm thất thu ngân sách Nhà nước; tác động lớn đến người dân vì xăng pha hóa chất sẽ làm giảm tuổi thọ động cơ... nên cần xử lý nghiêm", đại diện VKS đánh giá.