Đường dây liều lĩnh cho tàu cá chở người vượt biên sang Úc

(PLVN) - Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, tàu cá QB91269TS tiến đến gần đất liền nước Úc. Khi cách bờ vài trăm mét, 17 người chia thành hai tốp nhỏ dùng thuyền thúng chèo vào bờ. Tiếp cận đất liền an toàn, nhưng khi cả đoàn đi bộ tiến sâu vào nội địa thì bị cảnh sát Úc phát hiện, bắt giữ.
Bị cáo Châu (trái) và bị cáo Kiên tại tòa
Bị cáo Châu (trái) và bị cáo Kiên tại tòa

TAND tỉnh Quảng Bình vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử với các bị cáo Trần Ngọc Châu (SN 1969, trú phường Hải Thành), Nguyễn Trung Kiên (SN 1979, trú xã Bảo Ninh) và Phạm Thế Nhân (SN 1983, trú xã Bảo Ninh, cùng thuộc TP Đồng Hới) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Phiên tòa khá đặc biệt, khi có một người lâm bệnh nặng liệt giường, Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp thuận cho được nằm trên một chiếc giường xếp tạm trong suốt quá trình diễn ra phiên xử.

Vượt biên kiểu “tay không bắt giặc”

Vào một ngày tháng 6/2018, Châu gặp gỡ Kiên. Trong câu chuyện với nhau cả hai chợt nảy ra ý định vượt biên sang Úc làm ăn, đổi đời bằng con đường ra nước ngoài bất hợp pháp. Hai đối tượng tìm người bán tàu cá để mua dùng làm phương tiện vượt biên.

Qua mối quan hệ quen biết, Châu và Kiên tiếp cận Nhân, chủ tàu cá số hiệu QB 91269TS và được Nhân đồng ý bán con tàu với giá 1,7 tỷ đồng. Mặc dù nhất trí giá cả bán mua nhưng Châu và Kiên không có lấy một đồng trả cho Nhân. Cả hai rủ rê chủ tàu cùng tham gia chuyến hải trình đến “miền đất hứa”. Nhân xuôi tai, gật đầu đồng ý tham gia.

Vẫn trong tình trạng “tay không bắt giặc”, để có tiền làm lộ phí vượt biên, Châu và Kiên tiếp tục lôi kéo rất nhiều người cùng tham gia, tổng cộng có 14 người, chi phí cho chuyến đi từ 100 - 150 triệu đồng/người tùy theo mức độ quen thân.

Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 29/7/2018, tàu cá QB91269TS chở theo 17 người dân Quảng Bình rời cảng Đà Nẵng giống như những chuyến ra khơi thường lệ khác của ngư dân; nhưng con tàu này lại đang lặng lẽ để tìm đường vượt biển sang nước Úc xa xôi.

Trong quá trình lênh đênh trên biển, Châu và Kiên tổ chức họp đoàn, thông báo cho những người có mặt trên tàu biết kinh phí bỏ ra mua tàu gồm 1,7 tỷ đồng, chi phí mua sắm lương thực, thực phẩm, nước uống phục vụ chuyến đi hơn 800 triệu, thống nhất mỗi người phải đóng số tiền 150 triệu đồng. Tất cả nhất trí với mức giá mà Châu và Kiên đưa ra này.

Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, ngày 25/8/2018, tàu cá QB91269TS tiến đến gần đất liền nước Úc. Khi tàu cách bờ khoảng vài trăm mét, Châu và Kiên chia 17 người thành hai tốp nhỏ dùng thuyền thúng chèo vào bờ. Để tránh bị cơ quan chức năng Úc phát hiện, Châu và Kiên đánh đắm tàu cá bằng cách xả nước ngập tàu. Tiếp cận đất liền an toàn, nhưng khi cả đoàn đi bộ tiến sâu vào nội địa thì bị cảnh sát Úc phát hiện, bắt giữ, sau đó trục xuất về Việt Nam.

Bản án nghiêm minh

Bị trục xuất về Việt Nam, sợ bị cơ quan công an truy bắt, Châu bỏ trốn. Ngày 17/11/2018, Châu bị bắt khi đang lẩn trốn tại TP Huế.

Vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” trước đó TAND tỉnh đã đưa ra xét xử hai lần nhưng tạm hoãn với nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu vì bệnh tình của Nhân trở nặng. Cho đến phiên tòa sơ thẩm lần này, Nhân vẫn nằm liệt giường. HĐXX đồng ý cho Nhân được nằm trên giường ngay tại tòa, theo dõi phiên tòa và trả lời các câu hỏi HĐXX đưa ra.

Trong phiên tòa kéo dài nhiều giờ, HĐXX đã làm rõ vai trò của 3 bị cáo trong vụ án. Châu thừa nhận là người khởi xướng chuyện vượt biên sang Úc bằng đường biển và được Kiên hưởng ứng nhiệt tình. Châu phân trần “do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, muốn đổi đời nên chấp nhận thực hiện canh bạc mạo hiểm trên, kiểu “được ăn cả, ngã về không”.

“Nhưng tại sao lại lôi kéo thêm nhiều người khác cùng tham gia?”, Chủ tọa phiên tòa hỏi. Châu cho rằng 14 người cùng đi trên tàu cá QB 91269TS đều là chỗ thân quen với 3 bị cáo, “đi trên tinh thần tự nguyện”. “Bị cáo có biết tổ chức cho người khác vượt biên ra nước ngoài là phạm pháp không?”. Châu cúi đầu: “Bị cáo biết”.

Về phía Phạm Thế Nhân trong vụ án vừa là bị cáo, vừa là nạn nhân của Trần Ngọc Châu và Nguyễn Trung Kiên. Khi biết ý định Châu và Kiên vượt biên sang Úc bằng cách mua lại tàu cá của mình làm phương tiện, Nhân không tố giác với các cơ quan chức năng mà im lặng, đồng ý cùng vượt biên với Châu và Kiên.

Sở dĩ Nhân đồng ý theo Châu và Kiên là để đòi cho được số tiền 1,7 tỷ đồng bán tàu kia, vì khi tiến hành giao dịch bán mua chỉ mới tiến hành bằng “miệng”, Nhân chưa nhận được một đồng nào. Khi được nói lời sau cùng, Nhân xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội chữa trị bệnh tật, sớm trở lại với gia đình, cố gắng làm người lương thiện.

HĐXX tuyên phạt Châu 7 năm tù, Kiên 5 năm tù và Nhân 4 năm 6 tháng tù. Phiên tòa khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc và đầy nỗi niềm. Người phạm tội phải vào tù chịu sự trừng trị nghiêm minh của luật pháp, người là nạn nhân thì “tiền mất, tật mang”. Có lẽ đúng như bị cáo Phạm Thế Nhân nói lời sau cùng: “Sẽ chẳng có một miền đất hứa nào cả, khi chúng tôi đến đó bằng con đường bất hợp pháp”.

Đọc thêm