Sau hơn nửa thế kỷ ngôi đình này rời quê đi làm “nhiệm vụ văn hóa”, người dân Bùi La Nhân muốn xin lại đình để làm nơi thờ tự và duy trì các bản sắc văn hóa tâm linh địa phương. Thế nhưng, nguyện vọng chính đáng này vấp phải nhiều khó khăn, vừa về tiền, vừa về thủ tục.
Muốn lấy lại đình, phải tự bỏ chi phí
Lãnh đạo xã cho biết: Đình Chợ Trổ được xây dựng năm 1760 ở làng Chợ Trổ, xã Đức Nhân (cũ), nay đã sáp nhập vào xã Bùi La Nhân. Đình là nơi thờ thành hoàng làng, sau là nơi hội họp của các cụ cao niên và sinh hoạt cộng đồng địa phương.
Năm 1965, ngành văn hóa có chủ trương xây dựng Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân nhân kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du và được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Các nhà nghiên cứu muốn tìm một công trình có kiến trúc cùng thời với Nguyễn Du để làm nhà trưng bày các hiện vật.
Thời điểm đó tỉnh còn khó khăn, các công trình kiến trúc từ thời Nguyễn Du còn lại cũng rất hiếm hoi. Cán bộ văn hóa tỉnh đi tìm khắp nơi và phát hiện đình Chợ Trổ có những điều kiện hoàn toàn phù hợp. Theo yêu cầu của các ban ngành cấp tỉnh lúc đó, địa phương đã nhường lại ngôi đình Chợ Trổ chuyển về xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân để làm nơi tưởng niệm, trưng bày một số hình ảnh đại thi hào Nguyễn Du dưới hình thức “cho mượn”.
Nửa thế kỷ đã qua. Khu lưu niệm Nguyễn Du đã được công nhận là Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt và được quy hoạch mới. Đình Chợ Trổ không còn vai trò nhà trưng bày, nhưng vẫn không được đưa về “quê cũ”.
Xã Bùi La Nhân cho rằng, vì điều kiện lịch sử trước đây tỉnh còn khó khăn nên mới đồng ý “cho mượn” đình. Nay cơ sở vật chất hạ tầng của Khu di tích đã được Nhà nước đầu tư xây dựng đầy đủ, nên thể theo nguyện vọng của người dân, xã gửi tờ trình đề nghị các sở, ngành xem xét hoàn trả đình Chợ Trổ để địa phương tiếp tục có nơi thờ tự và duy trì các bản sắc văn hóa tâm linh.
Ông Hoàng Xuân Việt, nguyên Chủ tịch UBND xã Đức Nhân (cũ), nay là Chủ tịch HĐND xã Bùi La Nhân, cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên xã xin lại ngôi đình này. Khoảng năm 2014, địa phương đã có tờ trình gửi các cấp ngành tỉnh Hà Tĩnh với nội dung tương tự. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hà Tĩnh đã họp giữa đại diện xã với nhiều bên liên quan, bày tỏ quan điểm ủng hộ, nhưng khẳng định: Xã phải lo tài chính. Con số ước tính lên đến tiền tỷ khiến xã “giật mình” vì không biết lấy tiền từ đâu ra.
Đó là còn chưa kể các chi phí cho tu bổ, bảo tồn cho ngôi đình cổ; các thủ tục về giấy tờ phải gửi lên các cấp Trung ương... Nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ toàn diện từ cấp trên thì xã “bó tay”. Tâm nguyện của xã vẫn dở dang từ đó đến nay.
Hiện xã Đức Nhân đã sáp nhập với hai xã khác thành xã Bùi La Nhân, chính quyền và nhân dân xã một lần nữa khởi động lại hành trình đòi lại ngôi đình. Tân Chủ tịch xã Bùi La Nhân tuy là người làng khác nhưng cũng khẳng định quyết tâm trên của lãnh đạo và nhân dân địa phương.
|
Bảng giới thiệu về đình Chợ Trổ trước khi tháo dỡ tại Khu di tích Nguyễn Du |
Hết vướng chi phí, lại vướng thủ tục
Động thái của chính quyền xã Bùi La Nhân đã nhận được sự ủng hộ lớn của con em xã ở khắp mọi miền đất nước và nhiều người quan tâm đến văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, việc “đòi lại” ngôi đình vào thời điểm này đã “phức tạp” hơn.
Khi trước đây, chủ đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du là Sở VHTT&DL Hà Tĩnh. Nay việc triển khai dự án đã chuyển đơn vị khác. Hành trình “xin lại” ngôi đình của xã Bùi La Nhân một lần nữa được xem xét lại từ đầu.
Theo một cán bộ Sở từng tham gia trực tiếp quá trình quy hoạch: Năm 2012, Khu lưu niệm được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Năm 2013, được sự đồng ý của Thủ tướng, tỉnh chỉ đạo Sở lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm.
Vì là di tích cấp quốc gia đặc biệt nên quy trình lập, thẩm định phê duyệt rất chặt chẽ, kéo dài gần 3 năm. Trong quá trình này, xã Đức Nhân (cũ) đã gửi tờ trình xin lại đình. Có ít nhất hai lần việc này được đưa ra họp bàn.
Do ngôi đình vốn không phù hợp quy hoạch mới nên cơ quan chuyên môn Hà Tĩnh rất ủng hộ xã. Trong buổi làm việc năm 2014, Sở đã trả lời rất rõ ràng quan điểm và khuyến cáo địa phương cần chuẩn bị lượng tiền nhất định vì ngân sách tỉnh không cho phép bỏ ra để thực hiện việc di dời. Ngôi đình đã rất cổ xưa, sau khi hạ giải cần trùng tu ngay mới bảo tồn được.
Phía xã khẳng định “tiền tỷ thì thôi, xã không có tiền đưa về”. Từ đó, ngành Văn hóa Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện phương án quy hoạch mới, không tính đến chuyện đưa đình về “quê cũ”.
Theo quy hoạch này, đình Chợ Trổ sẽ được đưa về vị trí đình xã (hay còn gọi đình Tiên) nằm trong Khu lưu niệm Nguyễn Du.
Hồ sơ dự án muốn khôi phục đình Xã nên đã quy hoạch di dời đình Chợ Trổ về vị trí này và tôn tạo thành đình Xã. Ý tưởng này do đơn vị tư vấn trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch và trên cơ sở ý kiến tư vấn nhiều nhà chuyên môn.
Theo vị cán bộ này, đây là một quy hoạch đặc thù, rất khó về chuyên môn, hội đồng thẩm định toàn các chuyên gia hàng đầu về di sản, họp thẩm định đến 3 lần rồi Bộ VHTT&DL mới trình Thủ tướng phê duyệt vào năm 2015. Trong Quyết định số 2169/QĐ-TTg ngày 3/12/2015, tại mục 2: Phân vùng chức năng điểm a vùng bảo tồn, phát huy giá trị di tích có ghi rõ “di chuyển đình Chợ Trổ về vị trí đình xã và tu bổ, tôn tạo đình”.
Thủ tướng đã ra Quyết định như vậy, nên nay nếu muốn “hồi hương” đình Chợ Trổ, sự việc cũng sẽ phải buộc trình lên Thủ tướng quyết định.
Thế nhưng xét về tình, người Bùi La Nhân không đồng ý với quy hoạch do ngành Văn hóa Hà Tĩnh lập ra hồi năm 2015. “Đình xã vốn là đình của một làng xã Tiên Điền. Khi Nhà nước không cần đình Chợ Trổ phục vụ Khu lưu niệm Nguyễn Du nữa thì phải đưa về nơi cũ là Bùi La Nhân, chứ sao lại biến đình Chợ Trổ vốn của nơi này thành đình địa phương khác”, một người dân cho hay.
Dư luận tại địa phương phản ứng ra sao về sự việc này và cơ quan chức năng có hướng xử lý như thế nào? Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Từ lần đầu tiên xã Đức Nhân (cũ) đến nay là xã Bùi La Nhân gửi tờ trình “xin lại” đình Chợ Trổ, nhiều yếu tố đã thay đổi.
Chủ đầu tư thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du đã chuyển từ Sở VHTT&DL Hà Tĩnh sang BQL ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị trước đây phụ trách việc này ở Sở VHTT&DL Hà Tĩnh đã giải thể, các cán bộ từng theo sát quá trình này đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.