Duyên nợ ở đời, nơi ấy là tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Thuở ấy có em”, một sáng tác theo phong cách Jazz của nhạc sĩ Huỳnh Anh, với những câu hát tình tứ cho một cuộc tình trọn vẹn: “Thuở ấy có em anh yêu cuộc đời, yêu đôi môi hồng điểm nét son tươi. Yêu đôi tay ngà làn má thắm, tóc xanh buông lả lơi, nhớ em nhớ bao thuở ấy…”.
Chuyện tình yêu, hôn nhân, vỡ tan là cái duyên ở đời.
Chuyện tình yêu, hôn nhân, vỡ tan là cái duyên ở đời.

Nói về cuộc tình trọn vẹn, rồi hôn nhân thì nhiều khúc ca lắm như: Bài Tango cho em với câu hát ai cũng thuộc “từ ngày có em về, nhà mình ngập ánh trăng thề…” hay Chờ đông…., tất thảy đều ngợi ca hôn nhân và vì thế thường được mở nghe trong các đám cưới. Yêu nhau, ai cũng mong ước có một đám cưới viên mãn để bắt đầu cuộc sống sau hôn nhân.

Hùng, bạn tôi ở Sài Gòn, làm nghề sáng tạo thương hiệu hay nói vui với tôi: “Đời em làm gì cũng sai, chỉ lấy vợ là đúng đắn nhất”. Một chàng trai trẻ vừa ra trường, gặp cô em đất Thuận Thành của xứ Kinh Bắc, thấy cô em dễ thương, giọng Bắc, rồi bén duyên nhau, chàng nhảy tàu ra Hà Nội, tới Bắc Ninh xin cha mẹ cô kết hôn.

Bây giờ họ có với nhau hai cô con gái xinh đẹp, học giỏi. Hai vợ chồng có quán mì Quảng nhỏ xinh ở quận 12, Hùng nói: “Vợ em thích lắm, mở quán bán vui và đúng gu thích nấu nướng của bà xã. Cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi vậy thôi”.

Chuyện tình đẹp như mơ vậy ai chả mong ước, đúng như chuyện ngôn tình trong tiểu thuyết.

Nhưng không phải đám cưới nào cũng có những chuỗi ngày êm đềm, viên mãn. Bạn tôi, nhiều đứa cũng tan vỡ sau vài năm gắn bó, đứa thì đi tới “tập hai”, đứa thì ở vậy.

Bữa gặp một đứa bạn tên Bình, sau khi ly hôn vợ, đã đi làm tour du lịch kiểu hoang dã như cắm trại ven sông, leo núi, chèo thuyền… Bình bảo: “Ly hôn văn minh mà, con cái không thể sống trong một ngôi nhà mà cha mẹ luôn cãi vã, gây sự với nhau, thậm chí bạo lực, hết thương nhau thì nên giải phóng cho nhau thôi”.

Nhiều người nói yêu thì lấy nhau, nhưng lấy nhau thì thường sẽ hết yêu, nhưng lại thương nhau cái nghĩa vợ chồng, con cái rồi quấn quýt nhau để sống thành một gia đình. Cãi vã, giận hờn rồi làm lành. Gia đình là vậy và con cái phần nào phản ánh tinh thần của cha mẹ.

Thỉnh thoảng chúng ta đọc báo gặp những vụ án từ gia đình rất đau lòng. Nhiều người phụ nữ chọn cái chết cùng với con quả là bi kịch. Chắc chắn sự chịu đựng đã quá giới hạn và họ coi cái chết là giải thoát khỏi kiếp sống mỏi mệt.

Nhiều người nói họ dại, ngu, sao không ly hôn, bỏ đi… nhưng với nếp nghĩ truyền thống, nhiều người vẫn cảm thấy chia tay là một điều gì sai trái và họ chịu đựng để sống một kiếp trầm luân như vậy.

Có những câu danh ngôn cho rằng: “Hôn nhân là kết thúc của tình yêu” hay “hôn nhân là ngục tù”. Sự bi quan đó cũng phần nào sự thật khi tỷ lệ ly hôn ngày càng cao và nhiều bạn trẻ bây giờ ngại kết hôn và chọn lối sống độc lập.

Nhưng dù có tranh cãi, ly hôn hay gì đi nữa thì con người vẫn khát khao tìm kiếm nhau, kết hôn, sinh nở, duy trì nòi giống. Nó là bản năng của sự yêu thương giữa nam, nữ hay những giới tính khác nữa. Kết hôn để khám phá một năng lượng mới từ con người, đó là khả năng chịu đựng, nuôi dạy con cái, xây dựng tổ ấm gia đình. Hành trình đó thật lớn lao, nhưng cũng nhiều gian nguy và không phải ai cũng gánh vác nổi.

Nhạc sĩ Lam Phương đã từng thở than: “Anh đã lầm đưa em về đây, để đêm trường nghe tiếng thở dài…”. Có lẽ ông đã quá thất vọng trong tình yêu, nhưng cũng có người coi tình yêu là hy vọng, là chờ đời sâu nặng, như nhạc sĩ Huy Du đã viết: “Anh anh đi xa bao núi/Tình em như khe suối/Anh đi biệt tháng ngày/Tình em như sông dài…”.

Chuyện tình yêu, hôn nhân, vỡ tan là cái duyên ở đời. Khi chúng ta còn “thương nhau thì thắm lại”, khi mà duyên tình đã cạn thì chọn một giải pháp văn minh, an toàn cho cả hai. Đó là điều cần và đủ để tình yêu đã có không mất đi, không oán trách mà lưu luyến mãi cho nhau để “vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau” (Kiếp sau - thơ Cung Trầm Tưởng)…