Xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở?
Theo trình bày của bà Nhâm, bố đẻ bà là ông Vũ Viết Nghi (mất năm 1979) có hai bà vợ. Tổng số con của các cụ là 10 người. Sinh thời, vợ chồng ông Nghi có tạo lập được một mảnh đất khoảng hơn 300m2 tại đội 2, xã Thụy Lôi. Ông Nghi và hai bà vợ khi chết đều không để lại di chúc chia thừa kế, cũng chưa từng tặng cho quyền sử dụng đất nói trên cho bất cứ ai.
Do hoàn cảnh đặc biệt của cá nhân không có gia đình riêng nên sau khi nghỉ hưu, vào đầu năm 2008, bà Nhâm có tiến hành xây dựng 1 căn nhà trên phần đất nói trên. “Việc tôi xây nhà được bà vợ thứ hai của bố tôi (khi đó vẫn còn sống – PV) và tất cả anh chị em trong gia đình đồng ý, ủng hộ. Tôi về ở căn nhà này từ tháng 11/2008 đến nay và không hề xảy ra tranh chấp với ai”, bà Nhâm nêu.
Bà Nhâm và nhiều anh chị em ruột của bà cũng xác nhận, số tiền xây dựng căn nhà là tiền mồ hôi, công sức mà bà Nhâm đã tích cóp, dành dụm được trong mấy chục năm làm giáo viên. “Ngôi nhà nhỏ là tổ ấm mà tôi đã xây dựng nên, là nơi ăn chốn ở để tôi sống nốt quãng đời đơn chiếc còn lại trên chính mảnh đất mà bố mẹ tôi đã để lại”, bà Nhâm nói.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22), “Mọi người có quyền sở hữu về...nhà ở” (Điều 32) và Nhà nước phải “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59).
Điều 124 Bộ luật Hình sự cũng khẳng định: “Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
Như vậy, có thể thấy mặc dù chưa làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở nhưng trên thực tế căn nhà nói trên là tài sản thuộc sở hữu của bà Nhâm. Bà Nhâm có toàn quyền quyết định đối với căn nhà này. “Bà Vũ Thị Nhâm về hưu năm 2008, có làm nhà trên thửa đất của bố mẹ thuộc địa bàn thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lôi”, ông Vũ Hữu Thiết - bí thư chi bộ 2 nơi bà Nhâm sinh hoạt Đảng xác nhận.
“Khoảng 18h30 ngày 20/5/2016, bất ngờ có hai người là Vũ Viết Đông và Vũ Viết Nam ấp đến nhà tôi ngang nhiên buộc tôi phải nhanh chóng dọn toàn bộ đồ đạc ra khỏi nhà để trao trả ngôi nhà của tôi cho bọn họ với lý do toàn bộ đất đai, tài sản mà bố mẹ tôi để lại, kể cả ngôi nhà mà tôi đã xây dựng đã bị em trai tôi (ông Vũ Viết Nhật – PV) mang gán nợ và chuyển nhượng cho hai anh em Đông, Nam”, bà Nhâm tố cáo.
Bà Nhâm chia sẻ với phóng viên |
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Trong đơn, bà Nhâm còn cho biết, bà nhiều lần bị đe dọa, khủng bố tinh thần, đuổi và buộc bà phải mang tài sản ra khỏi ngôi nhà của mình. Ngày 20/5, anh em Đông, Nam còn mang khoan đến khoan cổng, dùng búa đập cổng...
Đặc biệt nghiêm trọng khi ngày 6/8/2016, gia đình ông Đông, ông Nam đã sang nhà ông Nhật dọn đồ đạc như giường ngủ, bàn ghế, quạt điện... ra ngoài, đồng thời phá hỏng khóa cổng và ở trong căn nhà này từ đó đến nay.
Để làm rõ vì sao lại có sự vô lý nói trên, PV đã có cuộc làm việc với ông Vũ Viết Hùng, chủ tịch UBND xã Thụy Lôi. Ông Hùng cũng khẳng định, thửa đất nơi bà Nhâm làm nhà và hiện đang sinh sống có nguồn gốc là của bố mẹ bà Nhâm. Tuy nhiên vào năm 1997, thửa đất này đã được cấp GCNQSDĐ mang tên ông Vũ Viết Nhật (con trai ông Nghi, em trai bà Nhâm).
Đến cuối năm 2015, ông Nhật đã làm giấy chuyển nhượng cho ông Vũ Viết Đông và Vũ Viết Nam (cùng trú tại thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lôi). Ngày 6/1/2016, ông Đông và ông Nam đã được Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên cấp GCNQSDĐ số CC236262.
Gặp trực tiếp ông Nam, PV được cung cấp 1 bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bên chuyển nhượng là vợ chồng ông Nhật, bên nhận chuyển nhượng là hai ông Đông, Nam. Điều đáng nói, tại điều 1 của hợp đồng này nêu rõ: “bên A (vợ chồng ông Nhật) đồng ý chuyển nhượng và bên B đồng ý nhận chuyển nhượng toàn bộ thửa đất số 438, tờ bản số số 12; có diện tích chuyển nhượng là: 400m2”. Ngoài ra, trong hợp đồng này không đề cập gì đến phần tài sản trên đất.
Điều này cũng được xác nhận tại “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” mà Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên cấp cho hai ông Đông, Nam phần nhà ở, công trình xây dựng khác, cây lâu năm... để trống. Điều này cũng phù hợp với bản thỏa thuận viết tay đề ngày 11/11/2015. Theo đó, vợ chồng ông Nhật chỉ “đồng ý chuyển quyền sử dụng đất” cho hai ông Đông, Nam.
Từ những căn cứ trên, có thể kết luận, hai ông Đông, Nam hoàn toàn chưa phải là chủ sử hữu của nhà ở và tài sản khác gắn liền với thửa đất nói trên. “Các tài sản gắn liền với đất bao gồm: các vật sinh ra từ đất (cây cối, hoa lợi tự nhiên…); các vật gắn vào đất do hoạt động có ý thức của con người và không thể tách rời khỏi đất mà không hư hỏng (nhà ở, công trình xây dựng, …).
Tài sản gắn liền với đất thường có giá trị lớn do đó việc chuyển nhượng tài sản phải lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực”, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết.
Cũng theo luật sư, nếu không có thỏa thuận nào khác, ví dụ như thời điểm dọn nhà để bàn giao quyền sử dụng đất cho bên mua thì đương nhiên tài sản trên đất vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán. Mọi hành vi xâm phạm đến tài sản này khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu đều bị coi là vi phạm pháp luật, và tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xem xét về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 143 Bộ luật Hình sự).
“Căn nhà nơi anh em Đông, Nam đang chiếm giữ còn là nơi thờ cúng của gia đình tôi, đặc biệt là nơi thờ tự nhang khói cho liệt sĩ Vũ Viết Thành (anh trai bà Nhâm – PV). Vì thế, tôi kính mong chính quyền và các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý theo đúng pháp luật, đảm bảo nơi ở hợp pháp của tôi”, bà Nhâm nói.
Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin, làm rõ vụ việc.
Liên quan đến vụ việc, ngày 9/8/2016, Huyện ủy Tiên Lữ đã có công văn số 114-CV/HU nêu rõ: “Huyện ủy Tiên Lữ nhận thấy đây là một vụ tranh chấp dân sự phức tạp đối với một đồng chí đảng viên thuộc đảng bộ Huyện ủy Tiên Lữ, từ việc tranh chấp dân sự xảy ra trở thành điểm nóng trên địa bàn. Tổ chức Đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Đảng viên”.
Ban thường vụ Huyện ủy Tiên Lữ cũng yêu cầu:
1. Đồng chí Bí thư Đảng ủy và đồng chí phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã Thụy Lôi phải chỉ đạo bộ phận tư pháp, công an xã đảm bảo an ninh nơi đất có tranh chấp và đảm bảo chỗ ở hợp pháp bất khả xâm phạm của đồng chí Vũ Thị Nhâm cho đến khi cấp có thẩm quyền giải quyết xong.
2. Đồng chí Phó BT Đảng ủy, CT UBND xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn của xã hướng dẫn đồng chí Nhâm làm các thủ tục hợp pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân đồng chí Nhâm; đồng thời phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp để giải quyết xong vụ tranh chấp.