Em trai đứng ra bào chữa cho anh trong ‘Cướp đò trên sông Ka Long’

(PLVN) - Tại tòa, em trai ruột của bị cáo Bùi Mạnh Giáp đã chỉ ra nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn trong Biên bản bắt người phạm tội quả tang của Đồn biên phòng Hải Hòa.
Bùi Văn Khương đang chỉ ra nhiều điểm vô lý trong biên bản bắt người phạm tội quả tang của Đồn Biên phòng Hải Hòa.
Bùi Văn Khương đang chỉ ra nhiều điểm vô lý trong biên bản bắt người phạm tội quả tang của Đồn Biên phòng Hải Hòa.

Chiều 17/4, TAND TP Móng Cái tiếp tục phiên xử sơ thẩm lần 02 đối với bị cáo Bùi Mạnh Giáp về tội Cướp tài sản.

Trong vụ án này, VKSND TP Móng Cái thể hiện, vào khoảng 2h ngày 16/12/2012, tại khu vực Cổ Ngỗng bờ sông biên giới thuộc khu 4, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Giáp chỉ đạo Nguyễn Quốc Cường, Bùi Văn lâm, Lê Đình Đáng, Nguyễn Ngọc Tùng và Hồ Văn Trung mang theo ống tuýp sắt, kiếm đe dọa chiếm đoạt số hàng hóa điện tử, máy vi tính cũ trên đò chở hàng hóa của anh Tống Ân Hòa trị giá 3.500.000 đồng thì bị bắt quả tang. Do đó, có đủ căn cứ để xác định bị can Bùi Mạnh Giáp đã phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015

Là người đi theo vụ án từ năm 2012 đến nay, em trai của Giáp là Bùi Văn Khương (SN 1988) đã tìm hiểu cặn kẽ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án này đã đau đáu trong lòng và luôn mực khẳng định anh trai mình bị oan. Vì vậy, Khương quyết định đứng ra làm người bào chữa cho anh trai mình để kêu oan sau 7 năm trời đằng đẵng.

Chiều 17/4/2019, sau khi đại diện VKSND TP Móng Cái đưa ra quan điểm buộc tội đối với bị cáo Giáp. Bùi Văn Khương đã đứng lên đối đáp với quan điểm buộc tội này.

Theo Khương thì trong bản cáo trạng, VKSND TP Móng Cái xác định khi nhóm Cường đang cướp tài sản thì bị lực lượng biên phòng phát hiện “bắt quả tang”. Tuy nhiên, tài liệu trong hồ sơ vụ án lại thể hiện có tới 3 vị trí “bắt quả tang” khác nhau. Cụ thể việc “bắt quả tang” được thực hiện ngay khi các nghi phạm chuyển 3 bao hàng lên bờ, tức là vị trí này ở ngay bờ sông giáp con đò, như cáo trạng xác định.

Trong khi đó, một biên bản khác lại mô tả vị trí bắt giữ trên đồi Cổ Ngỗng, sau khi các nghi phạm đã “chạy lên đồi rậm lẩn trốn, biên phòng truy đuổi khoảng 80 m”. Còn sơ đồ hiện trường vụ án lại xác định vị trí bắt quả tang cách bờ sông tới 180m.

Theo lời của Khương, thời điểm xảy ra vụ cướp theo bản cáo trạng truy tố, hồ sơ lại thể hiện tổ biên phòng 3 người đang ở trạm Bến Xuồng, cách vị trí con đò bị cướp ít nhất 60m. Khi biết có tiếng nổ, lực lượng biên phòng chạy đến thì “kẻ cướp đã bỏ chạy”. Như vậy, lực lượng biên phòng không thể tiếp cận được hiện trường, không thể nhận biết được kẻ cướp thực sự vì thời điểm đó đang là nửa đêm nên khả năng bắt nhầm người là khó tránh khỏi.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 02, những nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là những nhóm cửu vạn, có người đã bị xử phạt và thi hành xong bản án tù lại cho biết đêm đó sau khi nghe thấy tiếng nổ, họ người thì đang ngồi chờ, người đi ăn. Theo đó, họ đi về và khi đến đỉnh đồi Cổ Ngỗng bị biên phòng chặn lại yêu cầu về đồn làm việc chứ không có việc “bắt quả tang”.

Theo lời của Cường, Tùng, biên bản bắt người phạm tội quả tang mà đồn biên phòng hải Hòa lập sau 2 ngày bắt họ rồi ép ký bằng các biện pháp bức cung, nhục hình chứ không phải lập lúc 3h sáng ngày 16/12/2012 như ghi trong biên bản.

Cùng quan điểm về biên bản bắt người phạm tội quả tang của Đồn Biên phòng Hải Hòa có quá nhiều điểm mâu thuẫn và vô lý, LS Đặng Văn Cường – Đoàn LS TP Hà Nội cho hay, căn cứ vào các bản tường trình, biên bản lấy lời khai của các cán bộ Biên phòng bao gồm Nguyễn Minh Hạnh, Nguyễn Văn Giang và Lê Trọng Tài và Biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 16/12/2012, Cơ quan CSĐT xác định tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Hải Hòa phát hiện các đối tượng đang có hành vi cướp tài sản, thấy tổ tuần tra các đối tượng trên đã bỏ chạy lên đồi rậm lẩn trốn.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, ông Tài đã điện báo cáo chỉ huy đơn vị tăng cường lực lượng của đội Vũ trang chặn bắt vòng ngoài. Ông Tài, Hạnh, Giang đã truy đuổi theo 2 hướng, một hướng từ trạm biên phòng Bến Xuồng theo lối mòn lên đồi Cổ Ngỗng, một hướng truy đuổi theo lối vào cổng nhà bà Tình. Tổ tuần tra đã tổ chức truy lung và bắt được năm đối tượng Cường,Tùng, Lâm, Trung, Đáng cùng vật chứng. 

Thế nhưng vụ án xảy ra vào ban đêm, trời tối, các bị cáo đã bỏ chạy lên đồi rậm lẩn trốn, còn tổ tuần tra tổ chức truy lùng. Vì vậy có thể khẳng định quá trình phát hiện, truy đuổi, bắt giữ năm đối tượng trên là không liên tục, gián đoạn về thời gian và đối tượng nên không đảm bảo yêu cầu, yếu tố bắt buộc của bắt người phạm tội quả tang khi đối tượng đã bỏ chạy.

Đặc biệt, theo báo cáo của Đồn Biên phòng thì các đồng chí truy đuổi khoảng 80m thì bắt được 5 đối tượng, nội dung này mâu thuẫn với chỉ dẫn của cán bộ biên phòng “vị trí bắt giữ các đối tượng gây án cách mép bờ sông khoảng 180m”, vị trí cán bộ biên phòng phát hiện tại Trạm biên phòng cách hiện trường 60m.

“Tổ tuần tra có 3 người (ông Tài, Minh, Hạnh) truy đuổi theo 2 hướng nên mỗi hướng tối đa có 2 người, việc 02 người bắt giữ được 5 đối tượng cướp có hung khí trong đêm tối là không xác thực, bất khả thi. Ngoài ra, việc nhóm cướp cùng chạy về một hướng và bị bắt cùng một vị trí là bất hợp lý.” – Luật sư Cường cho hay.

Theo lời của Khương, cán bộ đồn Biên phòng không xác định được việc bắt giữ từng đối tượng ở vị trí nào; không thu giữ cùng lúc 3 bao hàng cùng các đối tượng. Ba bao hàng điện tử thu giữ được phù hợp với tài sản của bị hại. Vị trí cán bộ biên phòng thu giữ 3 bao hàng điện tử cách mép bờ sông khoảng 150m; vị trí bắt giữ Cường, Lâm, Trung, Đáng, Tùng cách mép bờ sông khoảng 180m.

Hơn nữa, hồ sơ vụ án không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện việc Cường, Lâm, Trung, Đáng, Tùng chỉ dẫn cán bộ biên phòng thu giữ ba bao hàng điện tử. Như vậy, chứng cứ là vật chứng không có tính liên quan. Do vậy, chứng cứ là biên bản bắt người phạm tội quả tang là không đảm bảo tính xác thực, khách quan.

Ngày mai (18/04), phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng./.

Đọc thêm