(PLO) - Hiện EU vẫn là nhà tài trợ lớn nhất thế giới và là nhà tài trợ không hoàn lại hàng đầu của Việt Nam năm 2013. Trong năm 2014, EU cam kết sẽ tiếp tục tài trợ 542 triệu euro (tương đương 736,7 triệu USD) cho Việt Nam.
Chiều nay 25/6 tại Phái đoàn Liên Minh Châu Âu, phiên bản sách xanh 2014 đã chính được ra mắt. Đây là ấn phẩm tóm tắt mọi diễn biến về chính sách mới nhất, khối lượng tài trợ và các lĩnh vực hợp tác giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam.
Tại buổi họp báo, đại diện Liên minh Châu Âu khẳng định Liên minh Châu Âu và các nước thành viên vẫn là nhà viện trợ ODA lớn nhất toàn cầu năm 2013 bằng việc đóng góp 56,5 tỉ euro (76,8 tỉ USD) chiếm tới hơn một nửa tổng giá trị viện trợ của toàn thế giới. Con số viện trợ ngày càng tăng của EU chứng tỏ những nỗ lực của EU đối với kế hoạch 2005 về việc giảm nghèo và tăng trưởng hài hòa.
Tại Việt Nam, EU đã giải ngân 456 triệu euro (619,8 triệu USD) năm 3013 và cam kết tài trợ 542 triệu euro (736,7 triệu USD) cho năm 2014. Theo đó, tốc độ giải ngân năm 2013 là 41 triệu euro năm 2014 con số này sẽ tiếp tục tăng hài hòa. "Chúng tôi viện trợ không hoàn lại nên việc giải ngân cũng cần tính toán kĩ, đặc biệt chúng tôi cũng gặp một số vấn đề rào cản liên quan đến việc tiếp cận các bộ ngành, các thủ tục hành chính nên so với nguồn viện trợ thì con số giải ngân chưa được nhiều", ông Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết.
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu , nhưng trong giai độan 2007-2014 EU vẫn giữ nguyên mức viện trợ cho Việt Nam, thậm chí còn tăng mức mức viện trợ. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.
Bên cạnh việc tài trợ, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, EU rất chú trọng việc hợp tác thương mại giúp Việt Nam có một nền kinh tế ổn định, vững mạnh. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua, năm 2013 xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 25 tỉ USD. EU có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp Việt.
Tiến sĩ Franz Jessen cho biết: “Hỗ trợ song phương mà EU và các nước thành viên dành cho Việt Nam trong 20 năm qua đã giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chung về giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. EU vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ với việc ủng hộ phát triển, các tham vọng thương mại và cam kết quốc tế của Việt Nam bằng cách duy trì mức độ tài trợ cho những năm tiếp theo, kí kết hiệp định FTA vào cuối năm 2014 và tăng cường quan hệ chính trị”.
Ông cũng khẳng định luôn vấn đề căng thẳng Biển Đông và vụ việc Nhật ngừng cấp vốn ODA cho các dự án đường sắt tiêu cực không ảnh hưởng đến các khoản viện trợ của EU. Việc hợp tác giữa EU và Việt Nam mang tính lâu dài đã hơn 25 năm, vì vậy EU sẽ tiếp tục nâng cao mức viện trợ và giúp đỡ nhiều mặt cho Việt Nam trong bối cảnh Vkhó khăn hiện nay.
Năm 2014, EU tập trung vào mức nghèo của dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Điều đó cho thấy EU đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Trên thực tế, tỉ lệ nghèo của dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn còn ở mức rất cao. EU cam kết sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam giải quyết và đề ra các biện pháp để vượt qua những thách thức này./.